Nhà đầu tư nội đang 'làm chủ' thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
5 bước để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thành công | |
Thận trọng với sự bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng |
CBRE: Condotel không còn là sản phẩm chủ đạo của BĐS nghỉ dưỡng 2018 | |
Savills: BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển tích cực trong nửa cuối năm 2017 |
Xung quanh câu chuyện tìm kiến cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam |
PV: Dưới góc nhìn của người nước ngoài làm dịch vụ bất động sản tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng?
Ông Stephen Wyatt: Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đã không ngừng được cải thiện trong những năm gần đây. Thể hiện ở sự gia tăng cả về lượng khách du lịch trong nước và quốc tế, số lượng chuyến bay trực tiếp cũng tăng, nhiều thương hiệu quốc tế mới tham gia vào thị trường... Chúng tôi tin rằng, phân khúc này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Theo khảo sát, năm ngoái, tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam đạt mức cao hơn 10 triệu, tăng khoảng 26% so với năm trước và cao hơn mục tiêu năm 2016 là 17%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2017 ước đạt 1.172.568 lượt, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung 11 tháng năm 2017 ước đạt 11.645.798 lượt khách, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là các thị trường có nguồn khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, nguồn khách từ các thị trường khác cũng tăng trưởng tích cực nhờ chính sách miễn thị thực (áp dụng cho 10 quốc gia ở châu Á và 7 quốc gia khác trên thế giới cho đến cuối năm 2019), chương trình thí điểm hai năm cho hệ thống thị thực điện tử và kế hoạch quảng bá du lịch Việt Nam sang các thị trường mới... Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 17 - 20 triệu lượt khách du lịch ngoại quốc vào năm 2020.
Với một thị trường tiềm năng như vậy, cơ hội đầu tư ắt nhiều? Theo ông, cơ hội đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có khác nhau?
Việt Nam vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn không chỉ đối với riêng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mà còn với cả các phân khúc bất động sản khác, nhờ vào điều kiện thị trường không ngừng được cải thiện. Sức hấp dẫn của thị trường này có thể thấy, thông qua lượng vốn đầu tư đổ vào liên tục tăng.
Các giao dịch liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng chiếm tới 20% tổng số giao dịch thành công trên tất cả các phân khúc và khắp cả nước trong 5 năm qua (2013 - 2017).
Dự đoán được cơ hội đầu tư, hiện nhiều công ty quản lý khu vực và quốc tế cũng đang tích cực tìm kiếm các bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn ở Việt Nam để quản lý. Ví dụ như JW Marriott (Phú Quốc và Đà Nẵng), Sol House của Melia (Phú Quốc), Four Points (Đà Nẵng), Raddison Blu và Mövenpick (Cam Ranh), Holiday Inn và Hilton (TP.HCM), Wyndham (Vịnh Hạ Long)...
Cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là như nhau. Trong khi các nhà đầu tư trong nước hiểu biết tốt hơn về thị trường nội địa, khả năng tiếp cận quỹ đất tiềm năng dễ dàng hơn thì các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế riêng như nguồn tài chính mạnh, chuyên môn trong phát triển bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng cùng với danh mục các dự án đã phát triển đáng chú ý.
Vậy theo ông, hiện nhà đầu tư trong nước đã nắm được cơ hội đầu tư vào “mảnh đất màu mỡ” này chưa?
Mối quan tâm chính đối với chủ đầu tư trong nước là chuyên môn trong phân khúc này. Họ đang bắt đầu làm tốt. Nhìn vào danh sách các dự án đáng chú ý gần đây, có thể thấy rằng các nhà đầu tư trong nước vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường.
Nhà đầu tư cần gì từ phía cơ quan chức năng để có thể khai thác tốt hơn cơ hội này?
Đối với một thị trường tiềm năng và nhiều cơ hội đầu tư như hiện nay, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cần Chính phủ “chống lưng”.
Để hỗ trợ sự phát triển của thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng, Chính phủ nên quan tâm xem xét các yếu tố phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ ngành du lịch và doanh nghiệp phát triển bất động sản, quảng bá, tiếp thị các điểm du lịch của đất nước.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần quản lý sự phát triển du lịch một cách đầy đủ và hiệu quả, đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư,...
Vậy còn những nhược điểm cần khắc phục thì sao, thưa ông?
Không thể phủ nhận rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng muốn tiến thì cần vượt qua nhiều thách thức. Đơn cử như thị trường du lịch nếu được phát triển tốt hơn sẽ là lực đẩy hỗ trợ cho sự phát triển của bất động sản khách sạn, nghỉ dưỡng.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, sản phẩm du lịch, hoạt động vui chơi, giải trí,... vẫn chưa đủ đa dạng, hấp dẫn để thu hút du khách. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư phức tạp, thiếu minh bạch thông tin... cũng là những yếu tố cản trở sự tăng trưởng của thị trường.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ của bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn chưa xứng tầm đầu tư. Thực tế là khách du lịch quay lại thăm Việt Nam lần thứ 2 hiện nay rất thấp (ít hơn 5%, trong khi con số này của Thái Lan là 60%). Chúng tôi khảo sát và tìm ra nguyên nhân chủ yếu là vì các sản phẩm du lịch chưa được phát triển đa dạng và hấp dẫn đủ để thu hút du khách quay lại.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!