|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà đầu tư 'nhòm ngó' bệnh viện

08:48 | 31/03/2017
Chia sẻ
Sự quá tải ở các bệnh viện công cùng với con số khoảng 2 tỷ USD người Việt mang ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm là động lực để nhiều nhà đầu tư đang đổ tiền vào các dự án bệnh viện tư.

Quy mô thị trường rộng lớn là vậy, nhưng kiếm lời từ đó lại không phải là chuyện dễ dàng.

nha dau tu nhom ngo benh vien
Thách thức lớn nhất của các nhà đầu tư khi bỏ vốn xây dựng bệnh viện tư là không có lợi nhuận trong 5 năm đầu, thậm chí là 7 năm trong khi lãi suất ngân hàng vẫn cao. Ảnh: S.T

Thị trường bỏ ngỏ

Tiếp nối thành công trong lĩnh vực thực phẩm, rồi tiếp đó là bước đi trong lĩnh vực giáo dục, Tập đoàn TH đã quyết định đi thêm một bước nữa sang lĩnh vực y tế. Tuần trước, TH đã ký một thỏa thuận hợp tác với đối tác Israel để xây dựng một bệnh viện 5 sao, rộng 20 ha, tại Hà Nội. Đây là dự án bệnh viện đầu tiên của TH trên cả nước, đánh dấu một bước đi mới của tập đoàn này trong lĩnh vực y tế. Theo thông tin từ TH, dự án sẽ bao gồm các hạng mục như trung tâm điện tử, bệnh viện 5 sao với 300 giường bệnh, trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng và trung tâm nghiên cứu phát triển y dược. Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe kiểu mẫu, đặt bệnh nhân làm trung tâm với những dịch vụ tốt nhất.

Đầu tư bệnh viện trong một vài năm trở lại đây đang trở thành một xu hướng mới được nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện tại cả nước có hơn 1.000 bệnh viện, nhưng mới chỉ có khoảng gần 200 bệnh viện tư. Con số bệnh viện trên vẫn còn là quá ít so với nhu cầu khám chữa bệnh của một thị trường có gần 100 triệu dân. Tỷ lệ giường bệnh hiện tại mới đạt 25 giường trên 10.000 dân. Điều đó đã dẫn tới sự quá tải tại các bệnh viện công ngày càng trở lên trầm trọng hơn. Hệ thống bệnh viện yếu kém cũng đẩy những bệnh nhân có điều kiện kinh tế đi ra nước ngoài chữa bệnh ngày càng nhiều hơn. Trong những năm gần đây, Bộ Y tế ước tính mỗi năm người Việt Nam bỏ ra khoảng 2 tỷ USD khám chữa bệnh tại nước ngoài.

nha dau tu nhom ngo benh vien

Theo hãng nghiên cứu thị trường Business International Monitor, tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN và sẽ đạt đến con số 24 tỉ USD vào năm 2020 nhờ lộ trình xã hội hóa y tế mà Chính phủ đang tiến hành.

Đứng trước nhu cầu và quy mô thị trường khám chữa bệnh lớn như vậy, việc các doanh nghiệp tư nhân tăng cường đầu tư thêm vào các dự án bệnh viện tư cũng là điều dễ hiểu. Nổi bật nhất trong đó là tập đoàn Vingroup. Kể từ khi khai trương bệnh viện Vinmec đầu tiên tại Hà Nội năm 2010, cho tới nay Vingroup đã có năm bệnh viện đa khoa và hai phòng khám hoạt động tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc và TP HCM. Tập đoàn này còn dự kiến phát triển thêm 05 bệnh viện nữa trên cả nước trong vòng ba năm tới.

Tổng chi tiêu y tế của hơn 90 triệu dân Việt Nam hiện chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất ASEAN và sẽ đạt đến con số 24 tỉ USD vào năm 2020.

Một số tên tuổi khác trong lĩnh vực y tế như Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ và Cotec Healthcare Holdings cũng đang mở rộng nhanh chóng hệ thống bệnh viện của mình nhằm gia tăng sự hiện diện và cạnh tranh. Năm ngoái Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đã thâu tóm lại Bệnh viện Quốc tế Vinh (Nghệ An) và đưa tổng số bệnh viện mà tập đoàn này sở hữu lên con số 7. Trong khi đó, Cotec Healthcare Holdings cũng đang gấp rút hoàn thiện việc xây dựng dự án bệnh viên đa khoa tại Bình Định với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Đã có trong tay 3 dự án bệnh viện với tổng quy mô khoảng 2.000 giường bệnh, nhưng tập đoàn này cũng không giấu ý định phát triển chuỗi bệnh viện đa khoa khắp cả nước.

Mới nhất, một thương vụ đầu tư đáng chú ý khác vừa diễn ra là việc quỹ đầu tư VOF (do VinaCapital quản lý) đã thâu tóm 75% cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa tại tỉnh Đồng Tháp. Số tiền mà VOF đầu tư vào đây là khoảng 10 triệu USD.

“Nỗi khổ” của nhà đầu tư

Quy mô thị trường lớn và chi tiêu cho khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng là vậy, nhưng nói đầu tư vào bệnh viện là một khoản đầu tư hái ra tiền thì lại chưa hẳn. Con số ít ỏi các bệnh viện tư có thể phần nào giải thích cho điều đó. Theo báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, trong số 39 bệnh viện tư đang hoạt động thì có khoảng 10 – 15% thua lỗ nên đang phải tìm cách mời gọi nhà đầu tư bỏ vốn liên kết. Ví dụ như Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa Vũ Anh từng được kỳ vọng nhiều với mô hình như khách sạn 5 sao, thu hút nhiều bác sĩ tay nghề cao nhưng vẫn thua lỗ.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tư gặp phải là tình trạng thiếu bác sỹ. Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2015, Việt Nam chỉ đạt 7,61 bác sĩ và 2,2 dược sĩ trên 10.000 dân. Đây là con số quá nhỏ so với thế giới. Không những thế, ngành y cũng có quy định cấm bác sỹ tại các bệnh viện công làm việc cho các bệnh viện tư, đẩy các bệnh viện tư vào cảnh đã thiếu lại càng thiếu. Thiếu bác sỹ giỏi có nghĩa là sẽ có ít bệnh nhân. Chính vì vậy, tình trạng người dân từ chối các bệnh viện tư để đổ dồn vào bệnh viện công hoặc ra nước ngoài chữa bệnh vẫn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Hữu Tùng, nguyên Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, đã từng chia sẻ rằng thách thức lớn nhất của các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào lĩnh vực này là không có lợi nhuận trong 5 năm đầu, thậm chí là 7 năm trong khi lãi suất ngân hàng vẫn cao. Đặc biệt, để xây bệnh viện phải thuê 50 năm nhưng cứ mỗi 3 năm lại thay đổi tiền đóng thuế đất theo hướng tăng dần. Với bài toán đầu tư như vậy, số nhà đầu tư trường vốn để có thể kiên nhẫn một thời gian dài cũng chưa có nhiều. Cũng vì lẽ đó mà việc đầu tư vào các dự án bệnh viện vẫn đang ở dạng tham vọng với đại đa số nhà đầu tư.

Ninh Kiều

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.