|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư muốn Fed giảm lãi suất nhưng chưa chắc điều này đã tốt cho thị trường chứng khoán

13:57 | 11/05/2023
Chia sẻ
Theo tờ Barron's, kịch bản lý tưởng cho thị trường chứng khoán Mỹ là Fed ngừng chu kỳ thắt chặt và giữ lãi suất ở mức cao trong khoảng 6 tháng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP). 

Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi dựa trên hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất vào tháng 6. Nhưng các nhà đầu tư nên cẩn thận với những gì họ mong muốn.

Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 15% kể từ khi thiết lập đáy trong thị trường gấu hồi đầu tháng 10 năm ngoái. Đó là thời điểm nhiều nhà đầu tư bắt đầu mạnh tay mua vào cổ phiếu và thị trường kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt.

Mục tiêu của các đợt tăng lãi suất là giảm lạm phát bằng cách làm suy yếu nhu cầu trong nền kinh tế, do đó khi lạm phát đi xuống, Fed sẽ không còn động lực để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thị trường đã có bằng chứng cho thấy các đợt tăng lãi suất của Fed đang phát huy tác dụng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo. Thị trường lãi suất quỹ liên bang tương lai cũng đang phản ánh vào giá rằng có tới 87% khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 6.

 

Giờ đây, các nhà đầu tư phải cân nhắc kịch bản sau: Trong bối cảnh lạm phát sụt giảm nhanh chóng, Fed trở lên lo lắng về tác động kinh tế ngắn hạn của lãi suất cao và quyết định hạ lãi suất vào mùa hè năm nay.

Tờ Barron’s cho biết hiện tại, thị trường lãi suất quỹ liên bang tương lai đang phản ánh rằng có 36% khả năng Fed sẽ tung ra một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 7.

Tuy nhiên, việc Fed hạ lãi suất có thể sẽ không thúc đẩy thị trường như những gì Phố Wall kỳ vọng. Dĩ nhiên, mức lãi suất thấp hơn có thể giúp nền kinh tế Mỹ ổn định trở lại và tiếp tục tăng trưởng – sau khi chịu thiệt hại đáng kể và có thể là rơi vào suy thoái.

Song, rắc rối là tác động kinh tế ban đầu từ động thái giảm lãi suất của Fed có thể tệ hơn dự kiến và kéo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp xuống thấp.

Theo Credit Suisse, chỉ số S&P 500 thường sụt giảm trong vòng 6 tháng sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed. Ông Jonathan Golub, Giám đốc chiến lược cổ phiếu tại Credit Suisse, lưu ý: “Lãi suất chính sách đi xuống thường được cho là sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu, nhưng đó cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang sa sút”.

Trái lại, Credit Suisse phát hiện rằng chỉ số S&P 500 thường bật tăng trong vòng 6 tháng sau đợt tăng lãi suất cuối cùng nếu không có đợt cắt giảm nào. Nếu Fed ngừng tay nhưng không có kế hoạch giảm lãi suất, điều đó có nghĩa là áp lực giá đang thuyên giảm nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định – kịch bản có lợi đôi đường đối với cổ phiếu.

Dù các nhà đầu tư tin tưởng rằng Fed sẽ hạ lãi suất, nhưng điều này không có nghĩa là thị trường đã thoát khỏi hiểm nguy.

Giang