|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà đầu tư châu Âu đánh giá kinh tế Việt Nam ra sao sau hơn 1 tháng mở cửa?

20:00 | 09/11/2021
Chia sẻ
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của EuroCharm đã lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn thận trọng về việc tuyển dụng nhân sự, đầu tư và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ngày 9/11, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố Chỉ số Môi trường kinh doanh EuroCham quý III (Business Climate Index - BCI). Đây là một thước đo thường xuyên về nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp của EuroCham.

Kết quả BCI mới nhất chứng kiến mức tăng nhẹ nhưng đáng khích lệ, đạt 18,3 điểm, tăng ba điểm từ mức điểm thấp kỷ lục là 15 điểm được ghi nhận trong thời kỳ khó khăn nhất của đợt dịch lần thứ tư hồi tháng 9.

EuroCharm lạc quan về môi trường kinh doanh khi Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại - Ảnh 1.

Biến động Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam từ quý IV/2010 đến nay. Thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 cũng là lúc chỉ số này ở mức thấp kỷ lục, chỉ 15,2 điểm. (Nguồn: Báo cáo của EuroCharm).

Mặc dù chỉ số vẫn ở mức thấp, song BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Hiện có gần một nửa số lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà đầu tư (49%) dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý tới, so với chưa đầy 1/5 (19%) được ghi nhận trong quý II.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thận trọng về việc tuyển dụng nhân sự, đầu tư và dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp. Các công ty đang áp dụng cách tiếp cận “chờ đợi và xem xét” để bố trí nhân sự, với khoảng 1/5 số người tham gia khảo sát cho biết họ có dự định tuyển dụng thêm nhân công trong vòng ba tháng tới.

Tương tự, tỷ lệ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có kế hoạch duy trì hoặc tăng đầu tư trong quý IV (69%) chỉ cao hơn hai điểm so với quý III, với dự báo doanh thu cũng tăng tương tự.

Trong khi đó, khoảng một nửa số công ty tham gia khảo sát vẫn đang hoạt động ở tần suất thấp so với thời điểm trước đại dịch, trong khi việc hạn chế đi lại kéo dài và tình trạng thiếu nhân sự tiếp tục ảnh hưởng đến 2/3 số công ty.

Điều này cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu Việt Nam muốn phát huy hết tiềm năng của mình trong thương mại và đầu tư sau đại dịch.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, cho biết: "Mặc dù BCI vẫn ở mức thấp, nhưng điều quan trọng nhất là chỉ số hiện đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Với việc đại dịch hiện đã được kiểm soát ở Việt Nam, niềm tin và sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên”.

“Tuy nhiên, bất chấp những tiến triển tích cực này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những thách thức trong hoạt động thương mại của mình. 

Với 2/3 số công ty đang chịu tác động của việc hạn chế di chuyển và tình trạng thiếu người lao động, điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh việc cho phép các chuyên gia nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ được bắt đầu công việc sớm và đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng cho người lao động trong nước”, ông Alain Cany nói thêm.

Bình luận về kết quả BCI, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam, ông Thue Quist Thomasen, cho biết đằng sau kết quả BCI là một xu hướng mới đầy thú vị. Trong khi niềm tin vào triển vọng đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có một sự gia tăng nhỏ nhưng đáng khích lệ, thì các công ty lại lưỡng lự hơn một chút khi nói đến hoạt động của công ty mình.

Theo ông, điều này cho thấy rằng các lãnh đạo doanh nghiệp đang chờ xem các điều kiện và quy định trong điều kiện "bình thường mới" diễn ra như thế nào trước khi đưa ra các cam kết quan trọng về các dự án đầu tư hoặc kế hoạch tuyển dụng.

Phương Trang