Nguyên nhân cốt lõi dẫn tới nợ xấu là gì?
Trong Hội thảo về Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội TP. Hải Phòng đã đặt câu hỏi mà nhiều người dân thắc mắc hiện nay đó là nguyên nhân cốt lõi của việc xảy ra vấn đề nợ xấu là gì?
Hai đồng dư nợ tạo ra 1 đồng GDP
Giải đáp thắc mắc của không chỉ các đại biểu quốc hội mà của nhiều người dân, đại diện 2 ngân hàng thương mại hàng đầu hệ thống hiện nay là Vietinbank và Vietcombank đã giải thích về vấn đề này.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho biết hiện nay các ngân hàng thương mại đều mong chờ 1 cơ chế chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong xử lý nợ xấu phát sinh vừa qua.
Theo ông Thắng, trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nợ xấu là vấn đề các ngân hàng liên tục phải đối mặt. Dù nguyên nhân là gì thì nợ xấu vẫn luôn thường trực và phát sinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nợ xấu như từ phía người vay vốn, từ phía ngân hàng, thậm chí từ những bất ổn của nền kinh tế, yếu tố khách quan, thiên tai dịch bệnh.
Trong trường hợp không có yếu tố tác động nào nhưng chỉ cần nguyên nhân khách quan như thiên tai cũng có thể tạo ra nợ xấu, dao động quanh mức 1% tổng dư nợ.
Về phía khách hàng, nguyên nhân dẫn tới nợ xấu do khách hàng có tình hình tài chính không tốt, năng lực chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, quản trị doanh nghiệp yếu, không thích ứng được với môi trường kinh tế thay đổi.
Về phía ngân hàng, nợ xấu do chất lượng thẩm định không tốt, rủi ro đạo đức của các cán bộ. Hiện tại, đã có nhiều cán bộ ngân hàng phải trả giá cho vấn đề này.
Ngoài ra, một số đơn vị thời gian qua có kết quả tăng trưởng tín dụng nóng nhưng tình hình quản trị chưa tốt dẫn tới những khoản nợ chưa đạt tiêu chuẩn.
Tại các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Mỹ cũng từng xảy ra khủng hoảng nợ xấu trong ngành ngân hàng khi thị trường bất động sản có vấn đề.
"Tại Việt Nam, nếu theo dõi quá trình hình thành nợ xấu tại các ngân hàng thì chủ yếu nợ xấu phát sinh trong giai đoạn 2012-2014, sau khi nền kinh tế có vấn đề như bong bóng bất động sản vỡ, thị trường chứng khoán đổ vỡ...", ông Thắng cho biết.
Nền kinh tế có nhiều bất ổn, lãi suất ngân hàng có lúc lên trên 20%/năm trong giai đoạn này dẫn đến hệ quả nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể trả nợ ngân hàng.
Theo ông Thắng thì nguyên nhân chính dẫn tới nợ xấu chính là sự bất ổn của nền kinh tế hình thành nên nợ xấu.
"Nếu xử lý nhanh được khoản nợ xấu sẽ có khoảng 10% dư nợ được đưa vào cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, tạo ra GDP. Hiện nay GDP tại Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, cứ 2 đồng dư nợ thì tạo ra 1 đồng GDP", ông Thắng khẳng định.
Nếu thu hồi được nợ xấu, ngân hàng cũng có thêm nguồn lực đưa vào hoạt động kinh doanh, ngược lại chi phí sẽ tăng lên, lãi suất đầu ra sẽ bị ảnh hưởng, khó giảm lãi suất. Một số doanh nghiệp sẽ không thể vay thêm tiền cho đến khi ngân hàng giải quyết được nợ xấu.
"Bản thân ngành ngân hàng đã khai thác các lợi thế để giảm lãi suất nhưng nếu xử lý đc khoản nợ đọng này, có thể giúp ngân hàng có thêm nguồn lực để giảm lãi suất", ông Thắng nói.
Cùng quan điểm, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ năm 2012, lần đầu tiên Thống đốc NHNN và ngành ngân hàng tuyên bố mức nợ xấu toàn ngành lên tới 17,6%. Điều này tạo ra dư chấn trong ngành ngân hàng cũng như sự lo lắng quan tâm của Đảng, Quốc hội và xã hội.
"Nợ xấu được ví như cục máu đông, gây hệ lụy tắc nghẽn trong sự phát triển kinh tế. Nó là một lượng vốn đọng không sinh lời trong một thời gian dài, từ đó khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp khó khăn. Việc nợ xấu tăng cao khiến ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, chính là chi phí tiền vay cho lãi vay, lãi suất sẽ không thể giảm", ông Thành cho biết.
Ngân hàng kêu khó trong xử lý tài sản đảm bảo
Theo ông Thành, nợ xấu chính là doanh nghiệp, khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng.
10 năm qua là giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp khó khăn nhất, hàng nghìn, hàng vạn doanh nghiệp phá sản, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng.
Ông Thành chia sẻ thêm vấn đề cấp thiết nhất trong xử lý nợ xấu chính là việc xử lý tài sản đảm bảo. Các trường hợp khi khách hàng không trả được nợ, nhưng cũng không bàn giao lại cho ngân hàng thì chuyển qua cơ quan tòa án xử lý theo quy trình pháp luật.
Tại Vietcombank chỉ riêng năm gần đây đã có 790 vụ phải chuyển qua tòa án, ngoài ra còn 98 vụ đã gửi qua tòa thụ lý nhưng chưa đưa ra xét xử.
"Thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp thông qua tòa án phải mất tới 2 năm, thậm chí có những vụ ngân hàng đã phải theo đuổi tới 7 năm. Sau đó, quá trình thi hành án lại mất khoảng 2-3 năm nữa, như khoản nợ của Công ty An Phúc tại Bình Dương đã 3 năm chưa thể thi hành án", ông Thành cho biết.
"Tại Vietcombank, có 1 doanh nghiệp vay tiền xây khách sạn ở Nha Trang 1.000 tỷ đồng, nhưng không trả được nợ, quá hạn cũng không bàn giao tài sản cho ngân hàng. Qua tòa án, sau 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên, nhưng chủ đầu tư vẫn giữ tài sản lại mỗi năm khai thác cho thuê từ 70-100 tỷ đồng. Số tiền này cũng không nộp lại cho ngân hàng. Nếu giao tài sản này cho Vietcombank xử lý ngay lập tức có thể thu hồi được nợ gốc", ông Thành chia sẻ.
Ngoài ra, chia sẻ về khó khăn của ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu thông qua tòa án, vị chủ tịch này cũng cho biết thêm một số tài sản thế chấp tại ngân hàng nhưng lại liên quan đến vụ án khác, khiến tòa án phải giữ lại tài sản để điều tra dẫn tới ngân hàng không thể giải quyết được tài sản, khoản nợ vẫn còn tồn đọng.
"Nhiều trường hợp sau khi giải quyết, ngân hàng thu hồi tài sản mang đi thanh lý thì phải nộp lại đến 90% thuế trên giá trị tài sản, đến cuối cùng ngân hàng vẫn không thu lại được gì, gây thiệt hại nguồn lực cho ngân hàng", vị Chủ tịch này cho biết.