|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ thiếu điện trong dài hạn

17:48 | 13/10/2023
Chia sẻ
Nguy cơ thiếu điện đến năm 2050 đã hiện hữu do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu ngày càng lớn.

Đoàn giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Báo cáo cho biết mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030–2050) là nguy cơ hiện hữu.

Bên cạnh đó, ngành năng lượng của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu, tài nguyên sơ cấp cạn kiệt, thủy điện cơ bản đã khai thác hết, sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ.

Cụ thể, việc phê duyệt bổ sung 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047 MW, 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138 MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.

Hệ thống lưới điện hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn N - 1 như mục tiêu đề ra, năng lực đấu lưới và truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực miền Trung, nguồn phát điện ở miền Bắc còn thiếu...

Một bất cập khác được nêu trong báo cáo là chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển ngành điện, đặc biệt đối với các dự án năng lượng cấp bách. Việc điều hành giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời với sự biến động thực tế của giá các loại nhiên liệu đầu vào.

Theo đoàn giám sát, để xảy ra những hạn chế, bất cập trên có trách nhiệm của Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, UBND một số địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). 

Một số sai phạm, trách nhiệm trong việc triển khai Quy hoạch điện VII, Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, pháp luật về khoáng sản của TKV đã và đang được các cơ quan có thẩm quyền kết luận.

Trong thời gian tới, đoàn giám sát đề nghị trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách vận hành phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng.

Hoàng Anh

NHNN bán vàng miếng giá 78,98 triệu đồng/lượng cho nhóm Big 4 và SJC
Mức giá vàng SJC này thấp hơn một chút cho với giá vàng mà các doanh nghiệp đang mua từ người dân trong sáng nay là 79 triệu đồng/lượng. “NHNN sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới.