|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ đổ vỡ NAFTA đe dọa ngành dầu khí Mexico

10:00 | 04/11/2017
Chia sẻ
Tương lai bất định của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể cản trở vốn đầu tư chảy vào ngành công nghiệp dầu khí Mexico, trong đó có buổi đấu giá giàn khoan nước sâu dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018.
nguy co do vo nafta de doa nganh dau khi mexico
Một giàn khoan tại mỏ dầu Ku Maloob Zaap của tập đoàn dầu khí Pemex trên Vịnh Campeche, Mexico. Nguồn: Victor Ruiz Garcia/Reuters.

Trước vòng đàm phán thứ 5 của NAFTA giữa tháng 11 này tại thủ đô Mexico City, Washington cáo buộc hành động phản đối của Canada và Mexico đang đe dọa đến hiệp định thương mại 23 năm tuổi này, đồng thời Tổng thống Donald Trump dọa sẽ rút lui nếu không thể bảo vệ quyền lợi nước Mỹ trong hiệp định này.

Theo các lãnh đạo ngành dầu khí và cựu quan chức chính phủ, cuộc đấu giá giàn khoan nước sâu gồm 29 lô với trữ lượng khoảng 4,2 triệu thùng có thể bị đe dọa nếu những quan ngại về NAFTA khiến các tập đoàn dầu khí lớn như Chevron và Exxon Mobil đứng ngoài cuộc.

Tính đến nay, 17 công ty đã bắt đầu quá trình tiền đánh giá để được quyền tham dự cuộc đấu giá giàn khoan nước sâu này.

“Việc các dự án đầu tư trong tương lai không còn thuộc phạm vi bảo vệ của NAFTA sẽ tạo ra nguy cơ các tranh chấp không được giải quyết một cách thỏa đáng”, ông Tim Callahan, giám đốc quốc gia tại Mexico của tập đoàn BHP Billiton, nói với Reuters.

Các công ty năng lượng lo ngại cái chết của NAFTA sẽ xóa sổ cái được gọi là Cơ chế Giải quyết Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư (Investor State Dispute Settlement - ISDS), vốn giúp dàn xếp các tranh chấp thông qua tòa án trọng tài quốc tế và bỏ qua các điều khoản hợp đồng thuộc thẩm quyền của tòa án địa phương.

Vào tháng 12/2016, BHP Billiton đã mua thành công 60% cổ phần trong mỏ dầu Trion trị giá 11 tỷ USD trong Vịnh Mexico, dự án giàn khoan nước sâu quan trọng nhất thuộc tập đoàn dầu khí nhà nước Pemex của Mexico.

Cùng ngày hôm đó, 8 trong 10 lô dầu đã được bán trong buổi đấu giá, đem lại các cam kết đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD từ các tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ như Chevron và Murphy Oil.

Theo chính phủ Mexico, các cuộc đấu giá là một phần trong kế hoạch cải cách năng lượng năm 2013 nhằm xóa bỏ độc quyền của Pemex trong ngành dầu khí nước này. Cho đến nay, kế hoạch cải cách đã mang lại nhiều cam kết đầu tư trị giá khoảng 80 tỷ USD.

Ông Callahan, người đứng đầu ủy ban NAFTA của hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí Mexico, chỉ ra nhu cầu cải cách đến từ chủ nghĩa dân tộc trong ngành dầu khí cũng như sự thiếu vắng các tiền lệ pháp lý trong suốt 75 năm độc quyền của Pemex.

“Tôi nghĩ không ai trong chúng ta muốn trở thành người đầu tiên kiểm tra khả năng giải quyết các tranh chấp liên quan đến ngành dầu khí của tòa án Mexico”, ông cho biết.

Bà Lourdes Melgar, cựu Thứ trưởng Năng lượng Mexico, cho biết nguy cơ đổ vỡ của NAFTA có thể khiến các công ty dầu khí Mỹ rút lui khỏi các cuộc đấu giá trong tháng 1/2018. Theo bà Melgar, một số người cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp là thiết yếu để bảo vệ nhà đầu tư.

Một số dự án đầu tư lớn cho đến nay chỉ được xúc tiến sau khi chính phủ cam kết “cửa sau” với nhà đầu tư rằng bất kỳ việc thu hồi hoặc quốc hữu hóa có thể được kháng cáo theo cơ chế hòa giải của NAFTA, ông Carlos Pascual, cựu đại sứ Mỹ tại Mexico, cho biết.

Nếu không có NAFTA, các tranh chấp liên quan đến đầu tư có thể phải giải quyết tại các tòa án Mexico và điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nguy cơ tham nhũng sẽ xảy ra.

“Đây là cuộc chiến giành lấy từng đồng USD dầu khí. Nếu không được đối xử bình đẳng, các công ty sẽ chuyển vốn đầu tư đến nước khác”, ông Craig Steinke, lãnh đạo tập đoàn dầu khí Renaissance Oil Corp của Canada, cho biết.

Theo ông Pedro Joaquin Coldwell, Bộ trưởng Năng lượng Mexico, nếu không có NAFTA, hệ thống pháp lý Mexico vẫn tuân thủ đúng quy trình xét xử. Ông còn cho biết Mexico đã ký kết nhiều hiệp định đầu tư song phương với các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư tương tự như NAFTA.

Tuy nhiên, ứng cử viên tổng thống cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador, người dẫn đầu các kết quả khảo sát trước thềm bầu cử tổng thống Mexico vào tháng 7 năm sau, lại có quan điểm khác.

Ông Lopez Obrador hứa sẽ xem xét lại các hợp đồng dầu khí đã ký kết và cố vấn năng lượng Rocio Nahle cho biết các công ty nước ngoài không nên phớt lờ các tòa án địa Mexico.

“Họ phải cẩn thận và tôn trọng luật pháp Mexico vì đây là lãnh thổ Mexico”, ông Nahle nhấn mạnh.

Trường Giang