|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nguy cơ chậm tiến độ 'cứu' Tân Sơn Nhất

07:50 | 24/06/2017
Chia sẻ
Trong khi chờ Cục Hàng không VN tìm kiếm và thuê đơn vị tư vấn nước ngoài khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) cả về phía bắc (khu vực sân golf) và phía nam, nâng tổng công suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia lo ngại tiến độ “cứu” Tân Sơn Nhất có thể bị chậm ít nhất 6 tháng.
nguy co cham tien do cuu tan son nhat
Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).Ảnh: VNA

Trái chiều quan điểm xây hay không xây đường băng số 3

Trao đổi với báo giới, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận định có thể xây đường băng thứ ba dài 2.700m trên phần đất sân golf với khoảng cách 760m so với đường băng số 1 đang sử dụng. Cùng quan điểm, chuyên gia Phạm Sanh cho rằng có thể xây đường băng số 3 như đường băng phụ để “chia lửa” với hai đường băng chính và tính tới phương án đường băng chéo.

Cả hai ý kiến trên đều vấp phải sự phản bác của các chuyên gia cùng ngành. Chuyên gia Nguyễn Văn Mùi - nguyên TGĐ TCty Quản lý bay Việt Nam - cho rằng về lý thuyết có thể xây nhưng sẽ tốn như “sân bay Long Thành giai đoạn 1” và không đảm bảo an toàn. Lý giải về điều này, ông Mùi cho rằng nếu xây dựng một đường băng cần đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế với các thiết bị phụ trợ để đảm bảo an toàn như hệ thống đèn, hệ thống đài dẫn đường, radar dẫn dắt. Do đó, một đường băng dài 2.700m sẽ là quá ngắn so với tiêu chuẩn và thiếu diện tích để lắp đặt các hệ thống phụ trợ cần thiết cũng như hai dải bảo hiểm với chiều dài mỗi đầu tối thiểu 300m.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, hai đường băng hiện tại nằm song song một cao một thấp nên tối ưu được việc cất hạ cánh cho hai máy bay vào cùng thời điểm. Do đó, nếu cố xây đường băng số 3 ngang bằng với đường số 2 thì sẽ khó có thể sắp xếp để 3 máy bay cất hạ cánh cùng lúc và như thế vô hình chung sẽ không hiệu quả vì “tốn tiền thêm đường băng thứ 3 mà không tăng được số chuyến bay cất hạ cánh cùng lúc”. Việc đường băng có chiều dài tối thiếu 3.000m mới là đủ để xử lý khi có sự cố về an toàn bay hay trong điều kiện thời tiết xấu.

Lo chậm tiến độ giải cứu Tân Sơn Nhất

Dù có ý kiến trái chiều về đường băng số 3 nhưng phần lớn các chuyên gia đều lo ngại về khả năng chậm tiến độ giải cứu Tân Sơn Nhất. Chuyên gia Phạm Sanh cho rằng không nên để chậm trễ quá trình mở rộng Tân Sơn Nhất và không bỏ phí nghiên cứu của Bộ GTVT. Do đó, nên triển khai mở rộng ra phía nam trước và song song với đó là công tác nghiên cứu việc thu hồi sân golf để mở rộng phía bắc, “chứ không chờ thu hồi rồi mới làm”.

Còn chuyên gia Nguyễn Văn Mùi thì cho rằng việc thuê tư vấn nước ngoài khảo sát lại là không cần thiết và có thể làm chậm tiến độ triển khai mở rộng Tân Sơn Nhất trong khi việc này hiện rất cấp thiết. Theo ông này, dù không nên xây đường băng số 3 nhưng có thể xem xét thu hồi sân golf và triển khai mở rộng cả về phía bắc và phía nam để xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật. Việc này sẽ giúp hai đường băng có sẵn hoạt động hoàn toàn độc lập, từ đó khai thác tối đa công suất mà không tốn quá nhiều chi phí.

Liên quan tới việc thuê tư vấn nước ngoài, một quan chức Cục Hàng không VN hé lộ chi phí dự kiến vào khoảng 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, vị này cho biết sẽ không dễ để mời các đơn vị tư vấn thiết kế có tiếng trên thế giới vì “gói thầu không lớn”. Được biết hiện dự án mở rộng sân đỗ ở khu vực 21ha mà Bộ Quốc phòng đã chuyển giao cho Bộ GTVT đang được triển khai. Tuy nhiên, một quan chức Cục Hàng không VN thừa nhận dự án này mới chỉ gỡ khó một phần cho Tân Sơn Nhất và để sân bay này không tắc trên trời, các dự án xây thêm nhà ga, đường lăn, sân đỗ cần sớm được triển khai.

Trong lúc chờ được giải cứu, sự tắc nghẽn trên trời và dưới đất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang gây lãng phí lớn cho toàn xã hội. TCty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết trong năm 2016, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất đã làm tăng giờ bay thực tế so với kế hoạch khoảng 1.392 giờ, đẩy chi phí khai thác của hãng tăng thêm khoảng 188 tỉ đồng.

Lâm Anh