|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người trồng tiêu Ấn Độ biểu tình chống nhập khẩu

16:57 | 22/06/2018
Chia sẻ
Những người nông dân tại các vùng trồng tiêu chính của Karnataka đang tổ chức biểu tình trước văn phòng India Product Pvt (IPP), thuộc công ty Jayanti, vì cáo buộc cung cấp hoá đơn cho các lô hàng nhập khẩu.
nguoi trong tieu an do bieu tinh chong nhap khau Người trồng tiêu Ấn Độ kiến nghị hạn chế nhập khẩu hồ tiêu đen của Việt Nam

Ông Vishwanath K K, Điều phối viên của Hiệp hội những người trồng tiêu đen Ấn Độ (COPGO) cáo buộc một số đơn vị thương mại, gồm cả IPP đã nhập khẩu hồ tiêu thay vì mua từ thị trường nội địa thông qua việc cung cấp hoá đơn ghi giá cao ở mức trên 500 rupee/kg.

Hiện, giá hồ tiêu tại Việt Nam được giao dịch ở mức 190 rupee/kg.

"Hành động này hoàn toàn vi phạm các quy định thương mại", ông Vishwanath cáo buộc. Hoá đơn ghi giá cao sẽ khiến ngân khố quốc gia của Ấn Độ thất thoát.

Theo ông Vishwanath, IPP đã nhập khẩu 115 tấn hồ tiêu có nguồn gốc từ Việt Nam trong tháng 5 với mức giá trên 500 rupee/kg.

nguoi trong tieu an do bieu tinh chong nhap khau
Ảnh minh hoạ.

"Thay vì nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam ở mức giá trên 500 rupee/kg, sao họ không thể mua từ người trồng địa phương với mức giá hiện tại là 330 rupee/kg?", ông đặt câu hỏi.

Phản hồi lại câu hỏi trên, ông Milan Shah, Giám đốc quản lý của Jayanti cho biết: "Chúng tôi, những nhà nhập khẩu đang gia tăng giá trị thông qua chế biến và đóng gói hồ tiêu đen có nguồn gốc từ mọi nơi cho khách hàng trên toàn cầu theo yêu cầu của họ. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi được chính khách hàng của mình cung cấp nguyên liệu. Nếu chúng tôi không làm như vậy, thị phần kinh doanh sẽ bị các đối thủ nước ngoài cướp đi".

IPP xuất khẩu khoảng 2.000 tấn hồ tiêu nội địa và tái xuất khẩu khoảng 1.500 tấn mỗi năm.

Chính phủ Ấn Độ đã áp mức giá nhập khẩu tối thiểu 500 rupee/kg vào tháng 12 năm ngoái, saukhi giá tiêu nội địa giảm sâu khoảng 40% từ mức 550 rupee/kg được ghi nhận hồi tháng 6/2017. Mặc dù những người trồng tiêu cáo buộc hồ tiêu nhập khẩu chất lượng thấp từ Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực tới giá nội địa, giới thương lái cho biết nguồn cung toàn cầu dư thừa mới là nguyên nhân đẩy giá tiêu lao dốc.

...

Lyly Cao