Người mất 245 tỉ không đồng ý đưa ra tòa như Eximbank đề xuất
Eximbank trả lời khách hàng vụ nguyên phó giám đốc bỏ trốn cùng hàng trăm tỉ đồng | |
Vụ Phó giám đốc Eximbank cuỗm 301 tỉ bỏ trốn: Người gửi tiền quá chủ quan? |
Thay vào đó Eximbank phải trả tiền ngay cho bà.
Cụ thể, theo trình bày của bà Bình, từ năm 2013 đến nay bà có mở 3 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gốc hơn 300 tỉ đồng. Tuy nhiên 3-2017 sau khi ông Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn, bà được Eximbank thông báo và cung cấp chứng từ cho thấy các sổ tiết kiệm đã bị rút gần hết tiền từ lâu.
Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Việc này không thể hiện trên các sổ tiết kiệm gốc nên bà không hay biết. Tổng số tiền bà bị mất là 245 tỉ đồng.
Sau khi sự việc xảy ra bà có nhiều buổi làm việc với Eximbank và được phía Eximbank TP.HCM yêu cầu chờ C44 làm rõ vụ việc. Đồng thời lãnh đạo ngân hàng cũng cam kết sẽ tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của bà.
Thế nhưng theo bà Bình, dù bà đã kiên nhẫn chờ đợi Eximbank suốt một năm qua, nhưng sau khi có kết luận của C44 đến nay ngân hàng vẫn cố tình trì hoãn.
"Mới nhất tại cuộc họp ngày 12-2, lãnh đạo Eximbank yêu cầu chỉ chi trả sau khi có quyết định của tòa án dù biết rõ và có đủ hồ sơ về vụ việc. Việc này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, gây thiệt hại lớn cho tôi trong khi tôi đang rất cần vốn làm ăn. Chưa kể vì việc này sức khỏe tôi giảm sút, gia đình lục đục", bà Bình nói.
Cũng theo bà Bình, việc đưa vụ việc ra xét xử tại tòa án là một lựa chọn sẽ gây ra nhiều hao tổn về sức lực và tiền của của cho cả hai bên. Do vậy bà mong muốn được giải quyết vụ việc trong hòa bình và mong muốn được tất toán sổ tiết kiệm để lấy lại tiền của mình.
Sáng cùng ngày, Eximbank đã có văn bản trả lời bà Chu Thị Bình về yêu cầu tất toán sổ tiết kiệm.
Trong nội dung trả lời, ngân hàng khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án có thẩm quyền nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật.
Tuy nhiên, theo Eximbank, theo văn bản số 387 ngày 12-6-2017 của C44, các tài khoản tiền gửi tiết kiệm mà bà Bình đề nghị tất toán đã được rút một phần và chữ ký trên các chứng từ rút tiền được C44 thông tin là chữ ký thật của bà Bình.
Do vậy Eximbank khẳng định trước mắt ngân hàng chưa có cơ sở để giải quyết yêu cầu của khách hàng.
Eximbank cũng cho biết đã cung cấp hồ sơ và thường xuyên liên hệ với C44 để đẩy nhanh quá trình tố tụng cũng như chuyển hồ sơ cho tòa án xét xử nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bà Bình.
"Chúng tôi mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền, và cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được tòa án có thẩm quyền phán quyết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan", ông Quyết cho hay.
Trước đó bà Chu Thị Bình tố ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, lợi dụng bà ký khống giấy ủy quyền để điền tên người được ủy quyền nhằm rút tiền từ các sổ tiết kiệm của bà.
Khoảng tháng 2-2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Theo Eximbank, toàn bộ các giao dịch với khách hàng Chu Thị Bình từ trước đến khi phát hiện vụ việc đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Korebank của Eximbank.
Ngân hàng này khẳng định khi phát hiện ra sự việc trên, ngày 6-3-2017, Eximbank đã chủ động gửi đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44), đề nghị C44 xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Eximbank cũng đã có các văn bản gửi C44 để xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Chu Thị Bình và một số khách hàng có liên quan.
Ngày 12-6-2017, C44 cũng đã có thông báo gửi Eximbank khẳng định chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật.
Tiếp đó ngày 30-8-2017, Eximbank tiếp tục có văn bản số 5553 gửi C44 đề nghị sớm khởi tố vụ án, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 16-11-2017, Eximbank tiếp tục gửi văn bản đề nghị C44 đẩy nhanh tiến độ điều tra để Eximbank sớm có cơ sở giải quyết yêu cầu của bà Chu Thị Bình.
Mới nhất ngày 2-2-2018, Eximbank nhận được Thông báo của C44 thông báo kết quả điều tra.
Ngân hàng cũng đã có 3 công văn báo cáo vụ việc lên Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3-2017; 12-2-2018 và 22-2-2018.
Hiện ông Hưng đã bỏ trốn ra nước ngoài và bị phát lệnh truy nã quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều nay, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết ngay khi xảy ra sự việc, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM và Cục thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục 2) đã làm việc với Ngân hàng Eximbank yêu cầu xác định nguyên nhân và Eximbank cũng phải rà soát lại tất cả quy trình về huy động và cho vay để lấp kịp thời các lỗ hổng.
Đối với trường hợp cụ thể này, Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã yêu cầu Eximbank tiếp xúc với khách hàng để nắm thông tin và có hướng giải quyết vụ việc. Đến nay đã có kết luận điều tra và khởi tố vụ án.
Về phương án đưa ra tòa, ông Minh cho rằng Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tôn trọng quyết định giải quyết của Eximbank. Đó cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện đền bù cho khách hàng.
Ông Minh cũng khuyến cáo khách hàng thường xuyên kiểm tra số dư, đăng ký các dịch vụ thông báo số dư để kịp thời theo dõi các biến động trong tài khoản của mình.