|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người khiếm thị mở thẻ ngân hàng có cần người giám hộ?

17:41 | 21/10/2017
Chia sẻ
Người khiếm thị rút tiền từ ngân hàng phải ký xác nhận. Nếu từ chối, ngân hàng bị coi là kỳ thị? Nếu đồng ý, người khiếm thị có khả năng mất tiền vì không nhìn thấy số tiền?
nguoi khiem thi mo the ngan hang co can nguoi giam ho

Mới đây trên Facebook của ông Trần Bá Thiện phản ánh thông tin cho rằng Vietcombank từ chối cấp thẻ ATM cho ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông.

Cụ thể, khi ca sĩ Hà Văn Đông đến làm thẻ tại một chi nhánh Vietcombank ở TP HCM, ngân hàng yêu cầu phải có người giám hộ vì cho rằng người mù thiếu hành vi năng lực.

Chưa kể, không có người giám hộ, ngân hàng cũng không cho khách hàng khiếm thị được dùng Internet Banking mà phải ra quầy làm thủ tục…

Theo ông Thiện, đây là kỳ thị và bất bình đẳng với người khuyết tật và việc "làm khó" này từng xảy ra vào tháng 9/2016 khi một chi nhánh Vietcombank tại Hà Nội từng yêu cầu tương tự với 4 khách hàng khuyết tật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 20/10, đại diện Vietcombank TP HCM giải thích lý do ngân hàng yêu cầu người khiếm thị khi mở thẻ hoặc mở tài khoản phải có người giám hộ là để đảm bảo an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng, tránh việc người khiếm thị bị lợi dụng.

Lý do được giải thích là do người khiếm thị không nhìn thấy chứng từ giao dịch hay số tiền rút khi giao dịch tại quầy mà giao dịch rút tiền tại quầy cần chữ ký, trong khi người khiếm thị không ký được chứng từ thì khó xác thực số trên chứng từ và số tiền nhận có khớp hay không.

"Tương tự như vậy khi giao dịch trên ATM hoặc Internet Banking người khiếm thị cũng khó thực hiện được các thao tác trên máy cũng như kiểm soát được số tiền. Do vậy cần người hỗ trợ người khiếm thị", đại diện Vietcombank chi nhánh TP HCM cho biết.

Theo ngân hàng này, thủ tục người giám hộ không quá phức tạp.

Trong trường hợp người hỗ trợ là cha, mẹ ruột thì chỉ cần người khiếm thị và người giám hộ mang chứng từ chứng minh mối quan hệ, sau đó ký cam kết tại ngân hàng.

Nếu người hỗ trợ là anh, chị, em hoặc bạn bè thì cần qua phòng công chứng để xác nhận chữ ký của người giám hộ có giá trị thay cho người khiếm thị trong việc mở tài khoản, rút tiền… và người giám hộ chịu trách nhiệm thay trước pháp luật.

Khi có người giám hộ hợp pháp, người khiếm thị được mở tài khoản, mở thẻ cũng như mở tài khoản Internet Banking như người bình thường.

Vietcombank cũng khẳng định quy định này nhằm bảo đảm an toàn cho người khiếm thị và tránh các tranh chấp phát sinh sau này.

"Hoàn toàn không có việc ngân hàng phân biệt đối xử với người khiếm thị. Việc này cũng được quy định tại quy chế của Vietcombank".

Đại diện Vietcombank TP HCM khẳng định

Tuy nhiên hiện nay ngân hàng này cũng có một quy định mở hơn, theo đó cho phép người khiếm thị không có người giám hộ được mở tài khoản với điều kiện phải ký thỏa thuận với ngân hàng.

Khi đó, số tiền rút bị hạn chế, tối đa là 10 triệu đồng/lần và nhiều nhất là 5 lần 1 tháng. Nếu rút vượt thì phải qua thủ tục công chứng.

Bên cạnh đó, nếu khôn có người giám hộ, người khiếm thị mở tài khoản ở chi nhánh nào thì chỉ được rút tiền tại chi nhánh đó.

Tháng 9/2016, từng xảy ra việc từ chối mở thẻ cho người khuyết tật.

Ông P.V.H, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, có nhiều người khuyết tật làm việc, cùng 4 nhân viên khuyết tật đến một chi nhánh Vietcombank tại Hà Nội để thực hiện thủ tục mở thẻ ATM.

Dù mang đầy đủ hồ sơ và có trình bày với ngân hàng về việc đây là những người khuyết tật, bị câm điếc bẩm sinh nhưng cả 4 khách hàng trên đều bị từ chối mở thẻ ATM với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự theo luật định.

Sau đó, nhờ sự quen biết các trường hợp này đã mở được thẻ ở chi nhánh khác.

Người phản ánh cũng cho rằng người khuyết tật câm điếc bẩm sinh không được coi là mất năng lực hành vi dân sự.

Chỉ những người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể ý thức, làm chủ được hành vi (đã được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự), người nghiện ma túy, nghiện chất kích thích mới là những người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Minh Thành