Người chăn nuôi heo Mỹ đối mặt với thua lỗ vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Cuộc đấu tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại mà Tổng thống Donald Trump là người châm ngòi có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành chăn nuôi heo của chính nước này.
Người chăn nuôi heo Mỹ đối mặt với thua lỗ vì chiến tranh thương mại với Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Iowa là bang chăn nuôi heo lớn nhất nước Mỹ, và được xem là thước đo sức khỏe của ngành chăn nuôi heo Mỹ.
Các doanh nghiệp chăn nuôi heo tại Iowa đều báo lợi nhuận trong tháng 3 giảm và dự báo sẽ còn thua lỗ cho tới hết năm 2018 vì chính sách áp thuế 25% đối với thịt heo Mỹ của Trung Quốc, Bloomberg cho biết.
Đối với ngành chăn nuôi heo Mỹ, hành động đáp trả của Trung Quốc với Mỹ làm gia tăng lo ngại về nguy cơ mất cân bằng cung - cầu thịt heo. Trên thực tế, nguồn cung thịt heo Mỹ gần đây đang có xu hướng tăng, với quy mô đàn heo tính đến ngày 1/3 đạt kỷ lục 72,908 triệu con, theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Lo ngại này đã gây áp lực lớn lên thị trường heo hơi Mỹ, kéo giá heo giao sau liên tiếp giảm trong vài phiên gần đây. Chốt phiên 3/4, giá heo hơi giao tháng 6 trên sàn CME (Mỹ) rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Trong khi giá heo hơi liên tục giảm thì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, như ngô và đậu nành, vẫn tăng đều đặn, dẫn tới người chăn nuôi heo thua lỗ.
Theo tính toán của giáo sư Lee Schulz tại khoa kinh tế học nông nghiệp thuộc Đại học Iowa dựa trên giá heo hơi giao sau vào ngày 2/4, người chăn nuôi trung bình có thể lỗ 4,34 USD (98.604,8 đồng) với một con heo, trái ngược với dự báo lãi trung bình 8,49 USD/con heo trước đó. Tính toán của ông Schulz có xét đến các chi phí như thức ăn chăn nuôi, vận chuyển, nhân công và giá bán heo.
Năm 2017, khoảng 27% sản lượng thịt heo của Mỹ được xuất khẩu ra nước ngoài; trong đó, Trung Quốc và Hong Kong là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai xét về khối lượng nhập khẩu. Thị trường này chủ yếu tiêu thụ các phần thịt mà dân Mỹ không có nhu cầu như chân và tai heo.