|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nghịch lý ở các dự án nhà ở dành cho công nhân và sinh viên

07:19 | 02/10/2017
Chia sẻ
Thời gian qua, TP Hà Nội đã quy hoạch, xây mới hàng chục nghìn căn hộ dành cho công nhân, sinh viên. Tuy nhiên, do những bất cập trong quá trình thực hiện, những chính sách chưa phát huy hiệu quả, không ít sinh viên, người lao động vẫn phải đi thuê nhà với giá cao, trong khi hàng nghìn căn phòng xây xong thì bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí lớn.
nghich ly o cac du an nha o danh cho cong nhan va sinh vien
Khu nhà ở cho sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp được khởi công xây dựng từ năm 2009, nhưng đến nay khu nhà A2, A3 mới chỉ xong phần thô và bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: D.Linh

Dự án khu nhà ở dành cho sinh viên tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, cung ứng 22 nghìn chỗ ở cho sinh viên, được coi là dự án có quy mô lớn nhất trong loại hình nhà ở này.

Khởi công từ năm 2009, đến tháng 1/2015, ba khối nhà đã được đưa vào sử dụng, với 1.350 phòng, 10.800 chỗ ở. Mỗi tòa nhà đều được bố trí thang máy, chỗ để xe tại tầng hầm, tầng một có thư viện, phòng y tế, nhà ăn tập thể, quầy giải khát... Từ tầng hai đến tầng 19, mỗi tầng đều bố trí một phòng sinh hoạt chung và từ 20 đến 30 phòng ở. Mỗi phòng ở có diện tích gần 40 m2, trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cho thuê phòng một triệu 640 nghìn đồng cho tám người, tương đương 205 nghìn đồng/người/tháng, rẻ hơn rất nhiều so các khu nhà trọ riêng lẻ do người dân tự xây dựng trong các khu dân cư.

Thành phố hy vọng khi đưa vào sử dụng sẽ khắc phục tình trạng thiếu chỗ ở cho học sinh, sinh viên tồn tại từ nhiều năm nay trên địa bàn. Tuy nhiên, sau gần ba năm đưa vào hoạt động, số lượng học sinh, sinh viên vào ở rất thấp, chỉ có hơn 30% số phòng có người ở. Những phòng bị bỏ trống xuống cấp nhanh chóng.

Ðáng chú ý, hai khu nhà A2, A3 đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng bị bỏ hoang nhiều năm. Nhiều khu vực biến thành nơi đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng, gây nhếch nhác đô thị và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Giải thích nguyên nhân tình trạng này, Nguyễn Văn Minh, sinh viên năm thứ nhất Trường đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, tâm lý chung của sinh viên là muốn ở gần trường để tiện đi lại, học tập, tìm việc làm thêm, nhưng khu nhà ở cho sinh viên nằm cách khá xa các trường đại học, được bố trí biệt lập trong góc khu đô thị, thiếu sự giao lưu, gắn kết với cộng đồng dân cư. Hơn nữa, khu vực này buổi tối vắng người qua lại, khiến sinh viên không dám đi ra ngoài vì e ngại an ninh không bảo đảm. Vì thế, không ít sinh viên chỉ ở một thời gian ngắn, sau đó chuyển ra ngoài.

Tương tự, dự án khu nhà ở công nhân ở xã Kim Chung, huyện Ðông Anh (Hà Nội), cũng rơi vào cảnh nhà xây xong chờ người vào ở. Dự án khu nhà ở rộng hơn 20 ha, bao gồm 28 đơn nguyên với hơn 1.500 phòng, đáp ứng hơn mười nghìn chỗ ở cho công nhân các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Thăng Long.

Song từ năm 2013, khi dự án chính thức đi vào hoạt động cho đến nay, khối nhà năm tầng gồm 24 đơn nguyên (thuộc giai đoạn 1) mới cho thuê 913 phòng, còn 171 phòng trống (chiếm hơn 20%). Bốn khối nhà 15 tầng (thuộc giai đoạn 2), mới có 112 căn hộ, chiếm 30% tổng số căn hộ ở giai đoạn này, được cho thuê. Còn ba tòa nhà CT1B, CT2 và CT3 với tổng số 336 căn hộ kể từ khi hoàn thiện vào tháng 9/2014 đến nay, vẫn bị bỏ trống. Không có người ở, các căn hộ dần xuống cấp, nhiều mảng tường đã bong tróc, khu vệ sinh ẩm mốc, trong khi đó nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà ở ngoài để ở là một nghịch lý, gây bức xúc trong dư luận.

Chị Lê Thị Chung, công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) sau hơn một năm sống trong khu nhà ở công nhân đã quyết định dọn ra thuê nhà ở ngoài. Hiện chị sống trong căn phòng cấp bốn hơn 10 m2 ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Ðông Anh với giá thuê 900 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, hằng tháng chị còn phải trả hơn 300 nghìn đồng chi phí điện, nước.

Chị Chung so sánh: Ở nhà công nhân tuy giá rẻ hơn rất nhiều, bình quân chỉ 120 nghìn đồng/người/tháng, nhiều trường hợp còn được công ty hỗ trợ, chỉ mất 50 nghìn đồng/tháng, chi phí điện, nước cũng không đáng bao nhiêu, nhưng thiết kế một phòng có từ 12 đến 15 người ở, khiến sinh hoạt rất bất tiện. Phòng đông người, nhưng chỉ có một khu vệ sinh, mỗi sáng, mọi người phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt sử dụng, nhiều khi muộn cả giờ làm. Ðã vậy, trong khu nhà ở lại không có nhiều dịch vụ như siêu thị, cửa hàng, nhà thuốc, gây bất tiện trong sinh hoạt, cho nên chúng tôi chấp nhận mất thêm tiền để ra ngoài thuê nhà.

Lý giải việc còn hơn 20% diện tích nhà thuộc giai đoạn 1 và khoảng 70% diện tích nhà ở trong giai đoạn 2 chưa đưa vào sử dụng, đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý, vận hành và khai thác khu nhà cho biết: Theo quy hoạch, dự án thí điểm nhà ở cho công nhân thuê được xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội đồng bộ như: trạm y tế, trường mầm non, nhà văn hóa, công viên, khu vui chơi... Nhưng đến nay, dự án mới hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng một trường mầm non, các công trình còn lại chưa được triển khai.

Trong khi đó, các căn phòng giai đoạn 1 dành cho đối tượng độc thân do bất cập trong thiết kế và thiếu nội thất, cho nên không thu hút được người ở. Ðơn vị đã xin thành phố cho phép chuyển đổi mục đích cho hộ gia đình thuê, nhưng lại gặp bất cập về giá. Với mức giá 120.000 đồng/người, nếu nhân theo số người trong một phòng theo thiết kế (từ 12 đến 15 người), thì giá cho thuê phòng lên đến gần hai triệu đồng/căn, chưa kể chi phí điện, nước. Số tiền này quá cao, không phù hợp với thu nhập của người lao động.

Ðó là chưa kể đến thủ tục thuê nhà ở đối với công nhân và các hộ gia đình còn nhiều vướng mắc, cho nên người lao động cũng không mặn mà. Ðơn vị đã tính tới việc cải tạo các căn hộ có diện tích lớn thành các căn hộ diện tích nhỏ hơn, để cho hộ độc thân hoặc gia đình thuê, song để làm được cần chi phí rất lớn. Trong khi đó, ba tòa nhà CT1B, CT2 và CT3 với tổng số 336 căn hộ đến nay vẫn bị bỏ trống do chậm trễ trong việc phê duyệt đơn giá thuê nhà và giá dịch vụ.

Dự án Ký túc xá, học sinh, sinh viên ở Pháp Vân và Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung đều được xây dựng bằng tiền ngân sách của thành phố với tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng do dự báo sai nhu cầu thực tế ngay từ khi thiết kế xây dựng, cộng với những bất cập trong quản lý, khiến cho nhà xây xong lại bỏ không, trong khi người lao động vẫn phải ở trong các phòng trọ lụp xụp, là một sự lãng phí quá lớn.

Ðể khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Xây dựng đồng ý chuyển hai khu nhà thuộc dự án Ký túc xá học sinh, sinh viên ở Pháp Vân đã xây xong và nhà A4 (chưa xây dựng) sang nhà ở dành cho các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải đợi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho phép, vì dự án nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Còn đối với Khu nhà ở công nhân Kim Chung, trong khi chờ thành phố phê duyệt đơn giá ba tòa nhà CT1B, CT2 và CT3, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã tự động chuyển đổi một số diện tích sử dụng chung ở tầng một sang diện tích kinh doanh dịch vụ, khiến không ít người lo ngại, nếu không quản lý chặt, dự án đầy tính nhân văn, thiết thực sẽ bị biến tướng.

Bên cạnh việc xem xét, xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan đến việc để xảy ra tình trạng bất cập nêu trên, TP Hà Nội cần chỉ đạo ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ những nghịch lý ở hai dự án nhà ở này, phát huy hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tình trạng lãng phí như hiện nay.

nghich ly o cac du an nha o danh cho cong nhan va sinh vien Cận cảnh ký túc xá 1.500 tỷ tại Hà Nội sắp chuyển đổi thành nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa đồng ý với đề xuất của UBND TP. Hà Nội trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng 3 tòa nhà ...

Đắc Sơn - An Trân

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.