|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nghịch lý giá sữa: Bán buôn giảm mạnh, bán lẻ vẫn đứng yên

14:42 | 07/05/2017
Chia sẻ
Trong khi giá sữa bán buôn được các công ty sữa niêm yết giá giảm đến 22% thì thị trường bán lẻ không hề có động thái giảm giá.

Theo báo cáo vừa công bố của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong quý đầu năm 2017, sản xuất sữa tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, sản lượng sữa tươi ước đạt 293,7 triệu lít, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng tháng 3/2017, sữa tươi đạt 104,2 triệu lít, tăng 2,1% so với tháng 3/2016. Đối với sữa bột, tháng 3/2017, sản lượng đạt 8,3 nghìn tấn, tăng 15,5% so với tháng 3/2016, nâng sản lượng sữa bột quý I/2017 lên 25,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi bộ Công Thương dừng áp dụng bình ổn giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá sữa trên thị trường trong tháng 4/2017 không có nhiều biến đổi do nguồn cung đã tăng trưởng tốt.

nghich ly gia sua ban buon giam manh ban le van dung yen
Dù sữa bán buôn đã giảm nhưng sữa bán lẻ vẫn đứng yên. Thậm chí sữa xách tay tăng giá.

Thời gian gần đây, nhiều công ty sữa công bố giá bán buôn mới, hầu hết đều giảm giá từ 4-22% tùy loại so với mức giá cũ. Cũng trong tháng 3/2017, đã có 8 doanh nghiệp kê khai giá sữa tại Bộ Công Thương trong đó có một số mặt hàng được kê khai mới với xu hướng giảm giá 3-10% tùy từng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, giá sữa tại các đại lý, siêu thị chưa hề có động thái giảm giá. Thậm chí, đối với một số loại sữa được cho là “xách tay” đang có động thái lên giá do khan hiếm mặt hàng vì kiểm soát an ninh.

Báo cáo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng cho biết, trong quý I/2017, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa giảm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 giảm mạnh nhất, đạt 61,34 triệu USD, giảm 22,1% so với tháng 2 trước đó và giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong quý I, kim ngạch nhập khẩu sữa là 214,67 triệu USD, giảm 10% so với với cùng kỳ năm 2016. Trong những tháng đầu năm 2017, New Zealand vẫn là thị trường nhập khẩu chính của sữa Việt Nam, tiếp đó là Singapo và Thái Lan, Đức. Đáng chú ý là sữa Nhật Bản tuy kim ngạch nhập khẩu ít nhưng vẫn đang được bán phổ biến trên thị trường. Chủ yếu là hàng xách tay.

Theo dự báo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại cho thấy, thời gian tới do lượng tiêu thụ ổn định, giá nhập khẩu giảm, nguồn hàng của các doanh nghiệp còn khá dồi dào nên khi nhà nước kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc kê khai giá sẽ giúp giá sữa trong nước không có hiện tượng tăng tự do, bất hợp lý.

Trần Phương