Nghị viện Scotland chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý lần 2
Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon. Nguồn: Business Insider. |
Các thành viên của Nghị viện Scotland (MSPs) được kỳ vọng sẽ đưa ra đề xuất cho một cuộc bỏ phiếu mới để giành quyền tự chủ vào giữa mùa thu năm 2018 và mùa xuân 2019.
Đề xuất này nói rằng đó là “quyền chủ quyền” của người dân Scotland để tự quyết định tương lai của họ, và kêu gọi chính quyền Anh trao những quyền lực cần thiết để tiến hành cuộc thăm dò mới.
Đảng Dân tộc Scotland nắm quyền điều hành Nghị viện chỉ nắm 48% ghế ngồi trong nghị viện, trong khi các đảng đối lập là đảng Bảo thủ, Lao động , và Dân chủ tự do đều phản đối một cuộc trưng cầu mới.
Tuy nhiên, việc đảng Xanh ủng hộ đảng Dân tộc có thể giúp thông qua đề xuất này.
Ông Patrick Harvie, đồng lãnh đạo của đảng Xanh, trả lời chương trình Today programme rằng: “Tương lai của Scotland nên nằm trong tay của những người sống ở đó”.
Việc bỏ phiếu sẽ tạo áp lực lên Thủ tướng Theresa May nhằm đảo ngược sự phản đối của bà trước đó về một cuộc trưng cầu dân ý mới. Tuần trước, Bà May nhấn mạnh rằng bà sẽ ngăn chặn bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý nào trước khi Brexit tiến hành. Theo bà May điều đó là “không công bằng” cho người dân Scotland khi tiến hành trưng cầu mà “không có đủ các thông tin cần thiết” về kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán Brexit.
Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon đã nói rằng việc không tôn trọng nguyện vọng của Nghị viện Scotland sẽ làm tan vỡ sự tin tưởng giữa hai quốc gia.
Trong buổi hội nghị với đảng Dân tộc Scotland cuối tuần trước, bà Sturgeon phát biểu: “Nếu phần lớn Nghị viện Scotland thông qua (một cuộc trưng cầu dân ý mới), Thủ tướng May nên hiểu rõ vấn đề. Đến lúc đó, một cuộc trưng cầu dân ý công bằng, hợp pháp và đồng thuận, trong thời gian được Scotland lựa chọn, sẽ không còn chỉ là lời đề nghị của tôi, hay đảng Dân chủ. Nó sẽ trở thành điều mà Nghị viện Scotland tự nguyện lựa chọn”.
Lãnh đạo đảng Lao động Anh Jeremy Corby cũng vấp phải phản đối trong chính đảng của mình vì bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý thứ 2. Thủ lĩnh đảng Lao động Scotland, bà Kezia Dugdale nhấn mạnh rằng sẽ không có một cuộc trưng cầu mới nào được tổ chức. Tuy nhiên, ông Corbyn nói trong tuần trước rằng dù ông phản đối một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng điều đó là không đúng khi ngăn cản một hoạt động mà Nghị viện Scotland bỏ phiếu cho nó”. Ông nói: “Nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức thì điều đó hết sức bình thường, và nó nên được tổ chức. Tôi không nghĩ ngăn cản người dân tiến hành trưng cầu dân ý là công việc của Tòa án Nghị viện hay đảng Lao động”.
Bà Dugdale sau đó nói với đài BBC rằng ông Corbyn đã rất “vụng về với lời nói của mình”, và đã “sửa chữa rất nhanh sau đó”.
Nghị viện Scotland sẽ tranh luận về đề xuất trưng cầu dân ý vào chiều ngày 22/3, và sẽ bỏ phiếu vào lúc 17h30.
Nội dụng của đề xuất về cuộc trưng cầu dân ý lần 2 của Scotland: “Nghị viện công nhận quyền chủ quyền của người dân Scotland trong việc định hình một chính phủ phù hợp nhất với nhu cầu của họ. Và vì vậy Nghị viện ủy nhiệm chính phủ Scotland tiến hành thảo luận chi tiết với chính phủ Anh về điều 30 Đạo luật Scotland năm 1998 để đảm bảo Nghị viện Scotland có thẩm quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Mục đích là để cho người dân Scotland quyền lựa chọn định hướng tương lai và chính quyền lãnh đạo đất nước họ trong thời gian được Nghị viện Scotland xác định. Và thời điểm phù hợp nhất là giữa mùa thu năm 2018, khi kết quả của đàm phán Brexit đã rõ ràng hơn, và trong mùa xuân 2019, thời điểm Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu EU”. |