|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được gia hạn thực hiện đến cuối năm 2023

15:17 | 22/09/2023
Chia sẻ
Chính phủ vừa tiếp tục kéo dài thời hạn thi hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đến hết năm nay.

Ngày 20/9, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết tiếp tục triển khai về việc tiếp tục thi hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đến hết năm 2023. Trước đó, vấn đề này đã đượcQuốc hội khóa XV thống nhất thông qua.

Trong Nghị quyết 148, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 trong ngành ngân hàng.  

Về xây dựng và hoàn thiện văn bản, Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp với các bộ, ngành để để xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng quy định về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá của các tổ chức thẩm định giá. Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm…

Cùng với đó, Bộ Công an cần kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đảm bảo việc thu giữ xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ được diễn ra thuận lợi, theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 42 liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và quy định pháp luật có liên quan.

Trong nửa đầu năm 2023, mặc dù đã có cơ chế được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 nhưng nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh. 

Vào cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của toàn hệ thống ở mức 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Theo ghi nhận của người viết, phần lớn các ngân hàng có nợ xấu tăng trong quý II.Tổng nợ xấu của 29 ngân hàng (công bố BCTC giữa niên độ) ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước. Hơn 90% trong số đó ghi nhận số dư nợ xấu tăng trưởng hai chữ số; 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (tỷ lệ nợ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng dư nợ) trên ngưỡng 3%. 

 

 

 

Minh Quang