Nghị định 32 quy định DNNN không được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán
Một số lĩnh vực đặc thù DNNN có thể tiếp tục đầu tư
Trong nghị định 32 bổ sung một số điểm đáng chú ý về việc đầu tư hay thoái vốn cũng như xác định giá khởi điểm trong thoái vốn của DNNN tại các đơn vị.
Doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì cổ phần, vốn góp của nhà nước trong các lĩnh vực gồm: Quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; ngành tìm kiếm và khai thác dầu khí; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thuỷ nội địa hay doanh nghiệp trồng, chế biến cao su và cà phê tại các vùng khó khăn, địa bàn chiến lược...
Không được góp vốn vào các ngành "nhạy cảm"
Bên cạnh ngành nghề được tiếp tục đầu tư thì Nghị định 32 cũng nêu rõ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính là bất động sản).
Bên cạnh đó, DNNN không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Giá khởi điểm không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 phiên gần nhất
Về nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Theo nghị định 32, việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của các doanh nghiệp nhà nước phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được DNNN góp vốn. DNNN thục hiện lập hồ sơ thủ tục chuyển nhượng vốn, công bố thông tin chuyển nhượng vốn và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thực hiện.
Việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn, DNNN lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, xác định đầy đủ giá trị phần vốn đầu tư của DNNN gồm quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ.
Khi xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì mức giá này không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thực hiện bán cổ phần.
Việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức phải đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 6 tháng từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối cùng (giao dịch trên sàn) hoặc tính đến ngày công bố giá chuyển nhượng vốn (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh) hoặc tính đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (phương thức thoả thuận).
Lưu ý khi chuyển nhượng vốn tại NHTM cổ phần
Khi chuyển nhượng vốn tại ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần, DNNN phải công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện đối với nhà đầu tư trúng đấu giá được chấp thuận là cổ đông của NHTM cổ phần để nhà đầu tư biết và thực hiện.
Trường hợp sau khi trúng đấu giá nhưng nhà đầu tư không đủ điều kiện được chấp thuận là cổ đông của NHTM cổ phần thì nhà đầu tư không phải thanh toán tiền bán cổ phần cho DNNN, trường hợp đã thanh toán thì được hoàn trả (kể cả đặt cọc) và số cổ phần chưa thanh toán hoặc đã thanh toán nhưng không được hoàn trả tiền thuộc sở hữu của DNNN.