|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành phân bón năm 2020: Nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị phần hưởng 'trái ngọt'

15:00 | 16/02/2021
Chia sẻ
Năm 2020, dù ngành phân đạm được hưởng nhiều lợi thế, song chỉ nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị phần như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau là tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trong khi một số đơn vị quy mô nhỏ hơn như BFC, LAS,...chưa có tín hiệu tích cực rõ rệt. Riêng Đạm Hà Bắc – “đứa con đầu lòng” ngành phân đạm Việt Nam ghi nhận lỗ sau thuế kỷ lục.

Nhiều nhân tố thúc đẩy ngành phân bón năm 2020

Theo báo cáo nhận định mới đây của Chứng khoán FPT (FPTS), thị trường phân bón trong nước đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố tích cực.

Xét cơ cấu tiêu thụ theo loại phân bón trong nước, phân NPK là loại phân bón được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm 35,5% tổng lượng tiêu thụ cả nước trong năm 2019. Trong khi đó, dù cả nước có tới 800 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân NPK nhưng các doanh nghiệp đầu ngành như Phân bón Bình Điền (BFC) hay Hóa chất Lâm Thao (LAS) cũng chỉ chiếm 15 – 17% thị phần cả nước.

Tỷ trọng phân NPK nhập khẩu chiếm từ 11% - 13% nhu cầu tiêu thụ cả nước. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là phân NPK chất lượng cao do các doanh nghiệp có thương hiệu như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Baconco, Vinacam,… nhập về và phân phối dưới thương hiệu của mình.

Với việc thị trường nội địa đang dư thừa các sản phẩm chất lượng thấp nhưng lại thiếu hụt một lượng lớn sản phẩm NPK cao cấp, FPTS cho rằng đây tạo cơ hội cho các doanh nghiệp NPK nội địa khi tham gia vào phân khúc này.

Ngành phân đạm năm 2020: Nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị phần hưởng ‘trái ngọt’ - Ảnh 1.

Nguồn: FPTS.

Bên cạnh đó, FPTS ước tính lượng tiêu thụ phân ure năm 2020 trong nước ước đạt 2,45 triệu tấn, tăng nhẹ 0,9% so với năm 2019. Fertecon dự báo nhu cầu phân ure Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 1%/năm trong giai đoạn 2020 – 2024, trong đó tăng trưởng tiêu thụ cho nông nghiệp đạt 0,9%/năm và sử dụng cho sản xuất công nghiệp đạt 2,1%/năm.

Tại thị trường nội địa, tiêu thụ phân ure của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau năm 2019 cao nhất cả nước, lần lượt chiếm 28,6% và 29,7% tổng lượng tiêu thụ cả nước. Trong khi đó, nhập khẩu phân ure cũng giảm khiến các nhà sản xuất trong nước khác được hưởng lợi, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình tại thị trường Miền Bắc gia tăng thị phần lên 25%.

Mặt khác, trong năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến giá dầu thế giới có những thời điểm sụt giảm mạnh. Điều này cũng khiến nhóm phân đạm được hưởng lợi trong ngắn hạn.

Nhóm dẫn đầu thị phần như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau tăng trưởng tích cực

Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh năm 2020 của nhóm doanh nghiệp phân bón phân hóa rõ rệt theo quy mô và thị phần. Theo đó, các đơn vị đầu ngành như Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đều tăng trưởng khá tốt. Ngược lại, doanh thu Hóa chất Lâm Thao, Phân bón Bình Điền... cho thấy sự đi lùi.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 với doanh thu 7.716 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước đó. Cùng với đó,  nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh kéo lợi nhuận sau thuế công ty tăng tới 55% lên 665 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2020, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Mã: DPM) đạt 7.109 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 4% so với năm 2019; lãi gộp công ty tăng tới 30% nhờ giá vốn hàng bán giảm.

Ngoài ra, nhờ có thêm thu nhập tài chính trong khi các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng thấp, Đạm Phú Mỹ ghi nhận mức lãi sau thuế cả năm tăng đến 85% so với năm 2019, đạt mức 683 tỷ đồng.

Ngành phân đạm năm 2020: Nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị phần hưởng ‘trái ngọt’ - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Trái ngược với sắc thái tích cực của hai doanh nghiệp trên, kết quả kinh doanh năm 2020 của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) nhuốm màu ảm đạm. Cụ thể, Đạm Hà Bắc công bố khoản lỗ sau thuế 1.461 tỷ đồng năm 2020, chạm đáy lợi nhuận trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Ngành phân đạm năm 2020: Nhóm doanh nghiệp dẫn đầu thị phần hưởng ‘trái ngọt’ - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp.

Đối với CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC), doanh thu thuần năm 2020 đạt 5.422 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2019. Tuy nhiên giá vốn hàng bán thấp kéo theo lãi gộp doanh nghiệp tăng nhẹ 3%. Kết quả, BFC ghi nhận 167 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng mạnh so với con số 99 tỷ đồng năm trước đó.

Bên cạnh đó, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) cũng báo lãi tăng trưởng dù doanh thu trong năm vừa qua giảm 21%. Bên cạnh nguyên nhân giá vốn hàng bán giảm, việc tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận.

Tuy vậy, mức lợi nhuận 8 tỷ đồng so với kết quả kinh doanh từ năm 2018 về trước đó vẫn cho thấy tình trạng lao dốc của doanh nghiệp.

Thu Thủy