Ngành điện miền Nam đối mặt nhiều thách thức
Ngành điện rốt ráo IPO |
Chiếm hơn 1/3 sản lượng điện thương phẩm
Năm 2017, EVN SPC đã đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía nam. Sản lượng điện thương phẩm đạt 60,33 tỉ kWh, chiếm 35% tổng sản lượng thương phẩm của Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Tốc độ tăng trưởng đạt 9,77%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn tập đoàn (8,9%). Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng trong năm qua đạt kết quả tốt.
Đường dây điện vượt biển ra xã đảo Hòn Nghệ (H.Kiên Lương, Kiên Giang) ẢNH: ĐÌNH TUYỂN |
Điểm số trung bình mức độ hài lòng đạt 7,85 điểm, vượt kế hoạch EVN giao. Trung tâm chăm sóc khách hàng của tổng công ty là đơn vị có dịch vụ tốt thứ 2 trong số 5 tổng công ty điện lực. Bên cạnh đó, giải pháp thực hiện tiết kiệm điện thông qua các đề án đã được triển khai hiệu quả như: tiết kiệm điện cho hộ nuôi tôm, trồng thanh long, sử dụng điện mặt trời áp mái tại trụ sở, mô hình ESCO. Tổng công ty cũng ứng dụng khoa học công nghệ, điều khiển từ xa hầu hết các trạm biến áp (TBA) 110 kV.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng giám đốc EVN SPC, những năm qua, EVN SPC là đơn vị tiếp nhận, đảm bảo cung cấp điện cho phần lớn huyện đảo, xã đảo, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Đặc biệt trong năm 2017, tổng công ty đã tiếp nhận cấp điện cho huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1; hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải của tỉnh Kiên Giang; tiếp tục triển khai dự án đường dây 220 kV mạch kép tăng cường cấp điện cho Phú Quốc, cấp điện cho xã đảo Tiên Hải (TX.Hà Tiên, Kiên Giang) và xã đảo Hòn Thơm (H.Phú Quốc)... Tổng công ty có tỷ lệ tổn thất điện năng thấp thứ hai (4,44%), chi phí phân phối thấp nhất trong toàn tập đoàn (204 đồng/kWh). Đây là điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường buôn bán cạnh tranh trong thời gian tới.
Nhiều khó khăn cần khắc phục
Cũng theo ông Hợp, bên cạnh những kết quả đạt được, EVN SPC vẫn còn tồn tại một số khó khăn cần khắc phục. Về hệ thống lưới điện, tổng công ty chưa hoàn thành được kế hoạch TBA không người trực; hệ thống lưới điện 110 kV theo tiêu chí (n-1) khu vực EVN SPC thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu; phải thực hiện chống quá tải tại nhiều nơi do lưới điện chưa đảm bảo, đặc biệt là khu vực nuôi tôm. Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là hiện nay, năng suất lao động của EVN SPC chưa cao dù đơn vị chiếm hơn 1/3 sản lượng điện thương phẩm của tập đoàn (giai đoạn 2011 - 2017 năng suất lao động tăng 7,5% trong khi điện thương phẩm tăng 11,1%). Ngoài ra, tổng công ty chưa hoàn thành kế hoạch thu thập dữ liệu từ xa, chỉ mới thực hiện được 92% với TBA công cộng và 70% với TBA chuyên dùng...
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, nhìn nhận trong những năm tới, EVN SPC sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Việc vay vốn cho các dự án gặp nhiều khó khăn do hạn mức cho vay đã vượt mức cho phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn nhân lực của EVN nói chung, EVN SPC nói riêng còn hạn chế về trình độ, chưa làm chủ được các yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Việc đáp ứng nhu cầu điện cho miền Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong trường hợp nắng nóng đột biến, phụ tải tăng cao thì nguy cơ thiếu điện hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề đảm bảo cấp điện cho nuôi tôm triển khai trong điều kiện nhiều nơi không tuân thủ quy định…
“Trong năm 2018, để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, EVN SPC cần tập trung đảm bảo an toàn vận hành, cung cấp điện ổn định cho khách hàng; phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm 2016 - 2020; thực hiện chủ đề năm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; tiếp tục đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; đầu tư cấp điện ổn định cho các huyện đảo, xã đảo đã tiếp nhận; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, hoàn thành kế hoạch thoái vốn theo phê duyệt của EVN và tập trung nâng cao năng suất lao động”, ông Thành cho biết.