|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành cá tra muốn lập quỹ ứng phó sự cố truyền thông ở châu Âu

10:23 | 24/06/2017
Chia sẻ
Liên quan đến sự cố truyền thông bôi nhọ ngành cá tra ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) xảy ra hồi đầu năm nay, 20 doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra trong nước đã quyết định thành lập “quỹ phát triển thị trường” để ứng phó với sự cố này...
nganh ca tra muon lap quy ung pho su co truyen thong o chau au
Nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin nêu trên được đưa ra tại hội nghị “Triển khai Nghị định 55/201/NĐ-CP và bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra” được tổ chức hôm nay (23-6-2017) tại tỉnh Tiền Giang.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Tập đoàn Vĩnh Hoàn, cho biết tiêu chuẩn cá tra xuất khẩu vào EU hiện được nhiều nước chọn để quyết định nhập khẩu.

Theo bà Khanh, khi đài truyền hình Tây Ban Nha, với người đứng phía sau có thể là các doanh nghiệp nuôi cá ở Tây Ban Nha, phát một chương trình bôi nhọ ngành cá tra Việt Nam, thì việc xuất khẩu vào đây đã bị ảnh hưởng rất lớn. “Ở đây, chúng tôi nghĩ rằng, mình (Việt Nam) đã gặp một cuộc bôi xấu truyền thông có bài bản và có chiến lược rất mạnh”, bà Khanh nhận định và khẳng định Việt Nam có thể ứng phó được, nhưng với điều kiện cũng phải có một đài truyền hình đủ mạnh giúp quảng bá để người tiêu dùng, khách hàng xem và hiểu ra sự thật.

Bà Khanh cho rằng để thực hiện được việc này thì tiềm lực về tài chính là một đòi hỏi vô cùng cần thiết, nên 20 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra Việt Nam dưới sự chủ trì của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc họp bàn về vấn đề này.

Sau cuộc họp, “Quỹ phát triển thị trường” với cam kết đóng góp 200.000 đô la Mỹ đã được 20 doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cá tra thống nhất thành lập nhằm giải quyết sự cố truyền thông ở EU. “Tuy nhiên cho đến nay, chỉ mới thu được từ chín công ty, tương đương 87.000 đô la Mỹ”, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký VASEP thông tin.

Do một số doanh nghiệp không thực hiện cam kết đóng góp, cho nên, việc ứng phó sự cố truyền thông tại EU hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, tại hội nghị này, bà Khanh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cần ban hành cơ chế để tạo nguồn lực ứng phó sự cố nêu trên. “Tôi mong Thứ trưởng giúp có cơ chế để thu tiền, thì chúng ta mới có đủ lực để làm truyền thông”, bà Khanh nói.

Bà Lan thừa nhận làm truyền thông là vấn đề cốt lõi trong xử lý sự cố ở EU, nhưng nếu không có sự cam kết mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm cũng sẽ không thành công, thậm chí truyền thông chỉ làm xấu thêm cho ngành cá tra Việt Nam. “Nhưng, trong hội nghị hôm nay, tôi rất mừng vì chúng ta có thông điệp mạnh mẽ về chấn chỉnh chất lượng cho cá tra xuất khẩu”, bà Lan nói.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội nghị liên quan vấn đề nêu trên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bộ rất hoan nghênh với đề xuất trên. “Bộ đang phối hợp chặt với VASEP và yêu cầu VASEP sớm xây dựng đề án về đề xuất quỹ này. Hiện nay, VASEP đang làm việc với các Bộ, trong đó có Bộ Tài chính để chúng ta có sự đồng thuận cao và như vậy khi trình Chính phủ sẽ có căn cứ hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Tám, việc hình thành quỹ này là trên tinh thần tự nguyện của doanh nghiệp. "Do đó, 20 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn phải làm gương, phải tự nguyện tham gia, chứ Nhà nước không thể bắt buộc doanh nghiệp đóng góp vào đây. Nhà nước chỉ tạo cơ chế, hành lang pháp lý thôi”, ông Tám nói.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, hồi đầu năm nay, đài truyền hình Cuatro của Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung thông tin không chính xác và có ý định bôi nhọ hình ảnh của cá tra Việt Nam được nuôi trên dòng sông Mêkông.

Xuất khẩu cá tra sang EU giảm mạnh

Báo cáo của VASEP gửi đến hội nghị này cho thấy trong bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 518,6 triệu đô la Mỹ, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 23,9% tỷ trọng xuất khẩu của toàn ngành thủy sản.

Trung Quốc là thị trường dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2017 khi chiếm 19,9% tổng lượng xuất khẩu của ta, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 53% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ chiếm 17,4%tổng lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu sang đây giảm 21,7% so với cùng kỳ; ASEAN chiếm 8% tổng lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu sang đây giảm 5,3%...

Riêng với thị trường EU, trong bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra của ta sang đây chiếm 12,6% tổng lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm tới 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trung Chánh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.