|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành bán dẫn Trung Quốc thừa tiền, thiếu nhân tài

11:13 | 18/09/2020
Chia sẻ
Trung Quốc đã rót hàng trăm tỉ USD với tham vọng xây dựng ngành bán dẫn đẳng cấp thế giới từ con số 0. Nhưng trong bối cảnh thiếu thốn nguồn lao động chất lượng cao, Trung Quốc thực chất sẽ đạt được những gì?

Có hàng trăm tỉ USD đầu tư, ngành bán dẫn của Trung Quốc trở thành một thiên đường cho người lao động nhưng cũng đồng thời là một mớ hỗn độn.

Hiện tại, một nhóm gồm những tên tuổi mới và giàu tiềm lực tài chính đang ra sức tranh giành lực lượng lao động ít ỏi trong lĩnh vực bán dẫn tại Trung Quốc. Trang tin Tài Tân (Caixin Global) cho biết đó chính là thực trạng đang dần hình thành tại đất nước tỉ dân.

Vấn đề trên lại trở thành vật ngáng đường trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của Bắc Kinh, vốn nhằm mục đích chống lại thái độ đối địch của Washington với một số ông lớn công nghệ tầm cỡ thế giới của Trung Quốc như Huawei Technologies.

Sự cạnh tranh gay gắt để giành nhân tài trong ngành sản xuất chip của Trung Quốc khiến tiền lương tăng vọt, phần lớn là từ các công ty mới, nhiều tiền mặt nhưng thiếu kinh nghiệm.

Thực trạng này làm dấy lên lo ngại rằng lực lượng lao động hiếm hoi trong lĩnh vực bán dẫn có thể rơi vào một vòng lặp không hiệu quả và lãng phí, khi mọi người nhảy việc từ công ty khởi nghiệp ngắn ngủi này sang công ty khởi nghiệp khác vì ham lương cao.

Sự lãng phí đó gợi lại thời kì bong bóng dot-com của Mỹ vào cuối những năm 1990, khi các nhà đầu tư rót tiền nhiều vô kể vào các công ty khởi nghiệp không có bất kì thành tích quá khứ hay mô hình kinh doanh đã qua kiểm chứng nào.

Tại Trung Quốc, các vòng lặp trên thậm chí còn phổ biến hơn, vì Bắc Kinh thường bơm các khoản đầu tư khủng vào những lĩnh vực mà họ muốn phát triển như các phương tiện sử dụng năng lượng mới và năng lượng mặt trời.

Ngành bán dẫn Trung Quốc có thừa tiền, giờ chỉ cần nhân tài - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Mức lương tăng nóng

Nhu cầu về lao động trong ngành bán dẫn có thể thấy rõ trong các tin tuyển dụng mới nhất.

Một báo cáo từ Zhaopin.com - một trong các trang web tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc, cho thấy nhu cầu từ doanh nghiệp lớn gấp 2,6 lần số hồ sơ ứng tuyển trong quí II, ngay cả khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều công ty phải đóng cửa hoặc giảm công suất làm việc.

Trong khi đó, tình hình tuyển dụng trong các ngành như công nghệ mạng và bất động sản lại kém khả quan hơn, dù đây được coi là hai trong số các lĩnh vực mạnh về tuyển dụng mới.

Chia sẻ với Caixin, một nhân viên tại công ty tìm kiếm nhân tài (headhunt) GobaSearcher (trụ sở tại Thâm Quyến) cho biết nhu cầu tuyển dụng cho lĩnh vực bán dẫn tăng nhanh 50% vào đầu năm nay.

"Nhìn chung, các tin đăng tuyển hứa hẹn người lao động có thể tăng thu nhập lên 20 - 30% so với mức lương hiện tại. Đặc biệt, trong một số bài đăng tuyển cho công việc về sản xuất thiết bị chế tạo chip, mức lương mới hứa hẹn tăng đến 100%", người này nói thêm.

Trước khi tăng mạnh gần đây, mức lương trong ngành bán dẫn từng tăng khá chậm trong quá khứ, khi mà ngành này nhìn chung chưa phát triển.

Mức lương trung bình hàng tháng cho các vị trí phát triển sản phẩm đối với sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến bán dẫn hiện trong khoảng 13.000 - 20.000 nhân dân tệ - đã tăng đáng kể nhưng không quá nhiều so với mức 9.000 nhân dân tệ/tháng vào năm 2012.

Thời điểm then chốt

Trong suốt nhiều năm liền, chính sách hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc danh cho ngành bán dẫn thường mang tính rời rạc và thiếu đồng bộ. Thời điểm quan trọng của ngành này đến vào năm 2014 khi Bắc Kinh công bố kế hoạch quốc gia để phát triển ngành bán dẫn.

Cùng năm đó, chính phủ Trung Quốc còn thành lập một quĩ quốc gia trị giá 138,7 tỉ nhân dân tệ (tức hơn 20 tỉ USD) để hỗ trợ ngành công nghệ chip. Tín hiệu đó đã tạo ra một lượng tiền mặt dồi dào từ các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân đi theo lời kêu gọi của Bắc Kinh.

Sau các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Huawei, SMIC và một số công ty công nghệ Trung Quốc khác, Bắc Kinh đã khởi động một chiến dịch để thị trường tỉ dân tự chủ về nguồn cung chip. Động thái này góp phần làm tăng tính cấp bách cho kế hoạch phát triển ngành bán dẫn.

Sự kiện thành lập sàn STAR Market tại Thượng Hải hồi năm ngoái lại tạo thêm một kênh tài trợ vốn khác cho ngành bán dẫn. Theo Tài Tân, STAR Market là một sàn giao dịch tương tự sàn Nasdaq của Mỹ. Tính đến đầu tháng 9 này, 28 trong số 168 công ty thuộc sàn STAR Market hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 1/3 vốn hóa của sàn này.

Vào tháng 7, SMIC - một trong các công ty nói trên, đã huy động được 6,6 tỉ USD trong thương vụ IPO lớn nhất lịch sử STAR Market, giá cổ phiếu SMIC tăng 246% trong ngày đầu lên sàn.

Thiết kế chip - mảnh đất màu mỡ

Lượng tiền mặt khổng lồ còn tạo ra một làn sóng các công ty muốn trở thành kì lân ngành bán dẫn mới. Theo Tianyancha - một nền tảng thông tin về doanh nghiệp, thiết kế chip là loại hình khởi nghiệp phổ biến nhất trong ngành bán dẫn Trung Quốc, với 138.000 đơn vị đăng kí hoạt động tại đại lục tính đến đầu tháng 9.

Phần lớn các công ty này đều được thành lập khoảng 5 năm trước, khi Bắc Kinh lần đầu bắt tay thực hiện chiến dịch hiện tại.

Ông Xia Guigen - người làm việc cho một công ty tư vấn nhân sự, cho hay lĩnh vực thiết kế chip hấp dẫn do không đòi hỏi hàng tỉ USD đầu tư cho thiết bị phức tạp và công nhân chuyên môn cao như lĩnh vực sản xuất.

Trung Quốc cũng có tương đối nhiều nhân tài thiết kế chip hơn do tốc độ của lĩnh vực này tăng trưởng ổn định trong vài năm qua. Đơn vị thiết kế chip HiSilicon của Huawei là một trong số ít công ty đại lục được coi là mang đẳng cấp thế giới.

Các công ty tên tuổi từ lĩnh vực khác, chẳng hạn như hãng điện thoại Oppo và Vivo, cũng đang chen chân vào mảng thiết kế chip để tạo điểm khác biệt với các đối thủ cùng ngành.

Lấp đầy khoảng trống nhân lực

Theo một báo cáo từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, khi số lượng công ty trong ngành bán dẫn tăng lên, nhu cầu nhân lực dự kiến sẽ đạt 720.000 người vào cuối năm tới. Báo cáo cho biết, con số này cao hơn nhiều so với hơn 460.000 lao động trong lĩnh vực bán dẫn vào cuối năm 2018.

Ngành bán dẫn Trung Quốc có thừa tiền, giờ chỉ cần nhân tài - Ảnh 2.

Để lấp đầy khoảng trống, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc cải cách chính sách vào tháng 7 nhằm dồn thêm nhiều nguồn lực giáo dục cho việc nuôi dưỡng tài năng ngành bán dẫn hơn.

Theo chính sách này, các kiến thức chuyên môn liên quan đến mạch tích hợp (IC) sẽ được xếp vào "lĩnh vực chuyên môn cấp một", ngang hàng với các lĩnh vực quan trọng khác như "khoa học và công nghệ điện tử".

Mạch IC trước đây là một phân nhánh của "khoa học và công nghệ điện tử". Do đó, việc Trung Quốc nâng mạch IC lên cấp cao nhất cho thấy sinh viên của ngành học này sẽ nhận được nhiều nguồn lực giáo dục hơn, chẳng hạn như được tài trợ nhiều hơn.

Dù hiện là một thị trường việc làm, bối cảnh ngành bán dẫn có thể thay đổi nhanh chóng nếu xảy ra thực trạng "hoa nở chóng tàn" vốn thường thấy trong các lĩnh vực do chính phủ tài trợ sau khi nguồn vốn cạn kiệt.

Nhiều công ty khởi nghiệp được dự đoán sẽ thất bại trong vài năm tới, loại bỏ đi hàng nghìn việc làm của ngành bán dẫn, tương tự như trường hợp Wuhan Hongxin Semicondutor Manufacturing (WHSM).

WHSM là một dự án sản xuất chip đầy tham vọng do chính phủ dẫn dắt ở tỉnh Hồ Bắc. Công ty này đang đứng trên bờ vực phá sản dù đã chi hơn 15 tỉ nhân dân tệ mà chưa bao giờ thực sự bắt đầu sản xuất. 4 năm sau khi thành lập, chính quyền địa phương tiết lộ vào tháng 7 rằng WHSM có thể thiếu đến 112 tỉ nhân dân tệ vốn.

Yên Khê