|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng trước sức ép Basel II

17:04 | 15/12/2016
Chia sẻ
Áp dụng Basel II là xu thế bắt buộc đảm bảo sự an toàn bền vững của hệ thống ngân hàng.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, lĩnh vực NH đã có rất nhiều đổi mới trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2014, việc NHNN giao 10 NH thí điểm áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, với lộ trình áp dụng từ tháng 2/2016 và hoàn thành việc thí điểm vào năm 2018… được đánh giá tích cực, dù thời điểm đó Việt Nam không phải là đối tượng điều chỉnh của Basel.

Hiệp ước vốn Basel II đặt ra các tiêu chuẩn về vốn và quản lý rủi ro tiên tiến nhằm đảm bảo hệ thống tài chính NH hoạt động vững mạnh được đánh giá rất cần thiết và cũng là một xu thế tất yếu, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới.

ngan hang truoc suc ep basel ii
Basel II sẽ là con đường phải đi của tất cả các NH Việt Nam

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhận định, qua việc “chạy thử” Basel II, chất lượng thông tin, kỹ thuật cũng như chất lượng nhân sự được cải thiện, đáp ứng nhanh các yêu cầu mới của NHNN Việt Nam. Một số TCTD đã nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ, tích cực đổi mới, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hiện đại hóa công nghệ để hỗ trợ cho công tác quản trị và phát triển các sản phẩm dịch vụ NH. 10 NH được chỉ định thực hiện thí điểm Basel II đã tích cực triển khai những bước cần thiết để áp dụng hiệp ước này một cách hiệu quả nhất.

Các NH đã thành lập Ban chỉ đạo và Nhóm dự án, phối hợp với các công ty kiểm toán quốc tế tại Việt Nam để xây dựng lộ trình nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tích cực đẩy mạnh hoàn thiện Basel II vào năm 2018. Như tại Sacombank, NH này phối hợp với Công ty E&Y triển khai đánh giá GAP toàn diện về cơ cấu tổ chức, quy trình, chính sách, cơ sở dữ liệu… theo quy định Basel II. Hay tại VIB, từ tháng 3/2016, hệ thống của VIB đã đi vào hoạt động giai đoạn đầu theo tiêu chuẩn Basel II về quản trị rủi ro. Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại cho biết, NH này đang triển khai các cấu phần hoàn thành theo đúng lộ trình thực hiện Basel II mà NHNN yêu cầu.

Tuy nhiên, theo nhận xét của một chuyên gia NH, mức độ và khả năng tiếp cận với các thông lệ quốc tế, cụ thể Hiệp ước Basel II là chưa đồng đều. Trong khi một số NH đã bắt đầu triển khai các quy định của hiệp ước này, thì một số khác vẫn đang cố gắng đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn hiện tại của NHNN.

Một lãnh đạo NH thừa nhận, các yêu cầu trong Basel II được thiết kế và xây dựng dựa trên kinh nghiệm quá khứ và phù hợp với thị trường phát triển. Do đó, có những nội dung chưa phù hợp với tình hình hiện tại của các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, triển khai Basel II và xa hơn là Basel III, các TCTD nói riêng và cả hệ thống NH nói chung sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Theo lãnh đạo một NH nước ngoài, khi triển khai Basel II, các NHTM sẽ phải đáp ứng các yêu cầu quản trị rủi ro chặt chẽ hơn; phải nỗ lực giải quyết các khoản nợ xấu trong quá khứ từ hoạt động cho vay, cũng như phải chuẩn bị xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến nhằm phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Sự thành công của Basel II cũng phụ thuộc vào độ chính xác, tin cậy và chất lượng của nguồn dữ liệu.

Tuy nhiên, nhiều NH ở Việt Nam chưa chú trọng thu thập và quản trị lịch sử dữ liệu một cách có hệ thống. Trong khi đó, Basel yêu cầu dữ liệu quá khứ phải được thu thập và nghiên cứu cho một số mô hình phân tích. Vì thế, việc thực hiện rà soát, thu thập dữ liệu bao gồm các dữ liệu về khách hàng, tài sản bảo đảm và các dữ liệu về nợ xấu có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho việc triển khai Basel.

Chi phí triển khai Basel II cũng là một thách thức của các NH Việt Nam. Tùy thuộc vào quy mô, phạm vi hoạt động, theo vị CEO trên, các TCTD nên có dự toán chi phí triển khai cho từng giai đoạn thực hiện Basel, tập trung vào chi phí đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, chi phí nguồn nhân lực, chi phí cho việc hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn về quản trị rủi ro cũng cần được xem xét.

Khi áp dụng các quy định mới theo chuẩn Basel II, số liệu về an toàn hệ thống theo đó sẽ thay đổi theo hướng giảm sút. Các NH cần phải thay đổi phương pháp quản trị phù hợp. Toàn hệ thống sẽ đối mặt với sức ép cải thiện các chỉ số đảm bảo an toàn, tăng cường tiếp cận thị trường vốn, tái cấu trúc sản phẩm. Để làm được điều này, các NH cùng với NHNN phải vạch sẵn lộ trình chuẩn bị thực hiện Hiệp ước Basel II.

Dù khó, nhưng cuộc chơi đã khởi động. Những khó khăn, thách thức đã được nhận diện. Nhìn về phía trước, dù chặng đường còn nhiều chông gai nhưng chắc chắn, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, Basel II sẽ là con đường phải đi của tất cả các NH Việt Nam.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải

Đảm bảo sự phát triển vốn bền vững

Để giải bài toán giảm thiểu rủi ro, nâng cao CAR cho các NH trong nước, theo tôi, các TCTD nên xem xét lại danh mục khách hàng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Bên cạnh, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tỷ lệ an toàn vốn, việc duy trì một bản đồ khẩu vị rủi ro an toàn sẽ là một khởi đầu tốt trong việc quản lý rủi ro NH. Chiến lược tăng cường nguồn vốn đi kèm với sử dụng vốn hợp lý là hoạt động cần thiết của NH để đảm bảo sự phát triển vốn bền vững. Các TCTD có thể gặp ít nhiều khó khăn trong việc huy động vốn thực từ các cổ đông, do đó, nên tính đến phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn.

Việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro, quản lý tốt nợ xấu sẽ giúp các TCTD đảm bảo duy trì lợi nhuận phục vụ cho mục đích tăng vốn. Hệ thống và chính sách quản lý rủi ro cần được xây dựng bao gồm việc quản lý rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động để đáp ứng các yêu cầu của Basel II. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh vai trò giám sát của HĐQT và ban kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro.

Các TCTD cũng cần xem xét mối tương quan giữa mức độ rủi ro và hiệu quả lợi nhuận đem lại từ các sản phẩm tín dụng. Việc xem xét cấp các cam kết cho vay không hủy ngang cần được thực hiện một cách thận trọng, giảm thiểu việc cấp các cam kết cho vay chưa cần thiết. Quản lý tốt các tài sản có rủi ro nội và ngoại bảng cũng giúp các TCTD nâng cao tỷ lệ an toàn vốn.

TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Cân đối các mục tiêu Basel II

có đến ba trụ cột là: vốn tối thiểu; giám sát và kỷ luật thị trường; công bố thông tin. Cả ba trụ cột này đều rất quan trọng và cần thiết đối với các NH. Nhưng theo tôi các NH Việt Nam gặp khó khăn với trụ cột thứ nhất liên quan tới việc duy trì vốn tối thiểu (CAR) là 8% của tổng tài sản có rủi ro, nhưng cách tính sẽ khắt khe hơn nhiều so với Basel I.

Cái khó nữa bên cạnh việc đang xử lý các vấn đề nội tại nợ xấu, tái cơ cấu, thì NH vẫn đang phải là kênh cấp vốn chủ lực của nền kinh tế. Tín dụng tăng tức là tử số tăng mà vốn (mẫu số) không mở rộng thì đồng nghĩa với việc hệ số CAR các NH sẽ bị giảm đi. Vì thế, bài toán đặt ra đối với NHTM cũng như NHNN khi thực hiện Basel II là sẽ phải cân đối nó như thế nào, ưu tiên cái nào, gắn với từng trường hợp cụ thể xử lý. Đối với vấn đề này thì không chỉ ngành NH xử lý được mà còn phụ thuộc vào Chính phủ xem liệu sẽ cần tăng trưởng tín dụng ở mức nào để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn

Một xu thế tất yếu

Áp lực khi triển khai Basel II là rất lớn. Các quy trình đánh giá khoản vay gần như đổi khác với quy trình truyền thống mà NH làm trước đây. Nó đòi hỏi tích tụ lượng thông tin quá khứ rất lớn. Vì thế, bắt buộc các NH phải nhập thông tin quá khứ, hoặc là nhập thông tin mới và phải chờ vài ba năm sau mới có dữ liệu. Đó cũng là lý do thời gian triển khai Basel II kéo dài như vậy. Vấn đề nữa, khi thực hiện Basel II các tiêu chuẩn đánh giá đều khác so với quy định của Việt Nam.

Do đó, đòi hỏi có sự thay đổi đồng bộ từ quy định khác của Nhà nước. Tôi cho rằng, trong quá trình triển khai Basel II, vấn đề thu thập dữ liệu và yêu cầu vốn tối thiếu là cấu phần các NH gặp khó khăn nhất. Để đảm bảo các chỉ số an toàn trong hoạt động, đặc biệt chỉ số CAR theo phương thức tính mới tăng vốn là bắt buộc với NH nhưng tăng bằng cách nào là vấn đề đau đầu nhất.

Trước mắt, 10 NH được NHNN chọn thực hiện thí điểm, còn sau đó hai, ba năm tới, tôi nghĩ các NH nhỏ có thể áp dụng. Đây là một xu thế bắt buộc phải làm không chỉ bởi đây là quy chuẩn đánh giá sức khỏe của NH mà còn tạo sự công bằng và xa hơn đảm bảo sự an toàn của hệ thống.

Thanh Huyền