Ngân hàng số tại Việt Nam và nỗi sợ mang tên 'thủ tục pháp lý'
Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, không phải năm nay chúng ta mới nói đến hành lang pháp lý cho ngân hàng số, mà vấn đề này đã được nói tới cách đây vài năm nhưng vẫn chưa có thay đổi về các văn bản từ luật đến các văn bản dưới luật để hỗ trợ các tổ chức, định chế tài chính ở Việt Nam triển khai các sản phẩm ngân hàng số một cách thuận lợi an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng.
Cá đại biểu tham dự hội thảo. (Nguồn: NHNN) |
Sợ nhất phải xin giấy phép
Tại hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19/12 tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhấn mạnh mặc dù các ngân hàng đã ứng dụng công nghệ số vào trong hoạt động kinh doanh của mình nhưng hiện hành lang pháp lý cho vấn đề này vẫn chưa hoàn chỉnh.
Là ngân hàng tiên phong đi theo con đường số hoá, TPBank liên tục có những sáng tạo trong các sản phẩm dịch vụ về ngân hàng số. Trong thời gian qua, TPBank đã cũng cấp dịch vụ QuickPay cho phép thanh toán, chuyển tiền liên ngân hàng thông qua mã QR với độ chính xác cao, an toàn và miễn phí. Điển hình là mô hình máy TPBank LiveBank hoạt động 24/7, khách hàng có thể tự mình thực hiện các giao dịch rút/nộp tiền, đăng ký mở tài khoản và đăng ký tài khoản tiết kiệm...
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết có hai nỗi sợ lớn là sợ phải đi làm thủ tục xin cấp giấy phép bởi các quy định trong những thông tư hiện hành hầu hết không có những quy định trong lĩnh vực này. Và nỗi sợ thứ 2 là pháp chế trong chính ngân hàng mình. "Làm sao để các vị ấy nói làm sản phẩm này không vi phạm quy định nọ, thông tư kia thì mới yên tâm được làm," ông Hưng chia sẻ.
Đồng tình với ông Hưng, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối ngân hàng số của VPBank cũng đưa ra một thực tế tại ngân hàng của mình: "Có những sản phẩm chúng tôi chỉ cần phát triển trong một tháng là sẵn sàng chạy, nhưng để nó được tung ra bên ngoài thì mất thêm 3 tháng vì các thủ tục."
Ông Long cho rằng, khó khăn nhất khi làm ngân hàng số là phải thay đổi nhận thức của tất cả các bộ phận và hệ sinh thái liên quan. Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng phải thừa nhận là sợ khi phải cấp phép. Các văn bản quy định pháp luật được xây dựng từ nhiều năm trước, khi mà chưa ai nghĩ sau này có QR Pay, Tokenization... như bây giờ nên khi cấp phép, đối chiếu vào các quy định đó thì cả người xin phép lẫn người cho phép đều sợ cả.
TPBank là ngân hàng tiên phong đi theo con đường số hoá. (Nguồn: TPBank) |
Lối đi nào cho ngân hàng số?
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank đưa ra hai dẫn chứng cho rằng cần phải có hành lang pháp lý cho vấn đề này. Dẫn chứng đầu tiên là hoạt động thanh toán xuyên biên giới đang là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Tại một số tỉnh thành phố có lượng khách du lịch lớn đã có nhiều tổ chức thanh toán lậu vào Việt Nam để cho khách du lịch mua hàng trực tiếp bằng thẻ thanh toán nước ngoài. Hàng được mua là của Việt Nam nhưng toàn bộ tiền đều chuyển ra nước ngoài.
Dẫn chứng thứ hai là khi có một sự cố xảy ra, chưa xác định được lỗi do ngân hàng hay khách hàng nhưng với sự truyền thông quá mạnh như hiện nay đặc biệt là mạng xã hội, thì hầu hết đều nhìn ngân hàng sai. Điều đó dẫn đến các ngân hàng phải tạm xử lý, tạm hoàn tiền cho khách trong khi chờ đợi kết luận của các cơ quan điều tra và vấn đề này không có hành lang pháp lý. Sau đó, xử lý cái đó như thế nào thì hiện nay cũng chưa có cơ sở pháp lý nào, điều đó làm cho các ngân hàng không dám mạnh dạn để đưa ra các sản phẩm dịch vụ số mới, loại trừ thanh toán.
Chính vì vậy, ông Tuấn kiến nghị, cần phải có biện pháp để giải quyết vấn đề này đặc biệt là cần có Luật thanh toán vì hiện nay Luật các Tổ chức tín dụng chỉ điều tiết hoạt động của các tổ chức tín dụng trong khi hoạt động thanh toán hiện nay không chỉ có riêng tổ chức tín dụng làm mà rất nhiều các đơn vị tham gia vào công đoạn này, kể cả các công ty fintech và đơn vị thanh toán khác.
Ông Tuấn cho rằng, do các luật có sự liên quan chặt chẽ với nhau, nên không thể chỉ sửa một luật, một nghị định là có thể đưa ra một hành lang pháp lý phù hợp.
Về vấn đề này ông Dũng cũng cho rằng: “Cần phải nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật liên quan cho phù hợp. Về dài hạn, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về Hệ thống thanh toán; trong đó quy định đồng bộ, hệ thống về cấp phép quản lý, giám sát đối với nhóm đối tượng các tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán, cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ riêng tư dữ liệu... Thanh toán số chính là cửa ngõ để đến với các dịch vụ ngân hàng và cũng là mỏ neo để giữ mối quan hệ ngân hàng – khách hàng.”
Còn bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiều hữu hạn Ernst & Young Việt Nam cho rằng, để có thể bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ tại các nước trong khu vực, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung đối với những vướng mắc pháp lý hiện tại, đồng thời nghiên cứu xây dựng các quy định mới về ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng như công nghệ sổ cái phân tán (blockchain), điện toán đám mây (computing cloud)…/.