|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng dự báo tỷ giá khó giảm sâu

08:06 | 29/04/2017
Chia sẻ
Mặc dù giá đồng bạc xanh những ngày qua đã giảm và giao dịch ngoại tệ trầm lắng, song theo dự báo của các ngân hàng thương mại trong nước, tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ (VND/USD) khó có thể giảm sâu, thậm chí có xu hướng tăng dần, khi nhu cầu ngoại tệ tăng.
ngan hang du bao ty gia kho giam sau
Ngân hàng dự báo tỷ giá khó giảm sâu. (Ảnh: TBKTSG).

Thị trường ngoại hối liên ngân hàng trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tiếp tục ghi nhận sự giảm điểm của đồng đô la Mỹ. Tỷ giá đầu phiên giao dịch ngày 28-4 ở 22.725 VND/USD, mức rất thấp trong nhiều ngày qua.

Giá bán được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại mức 22.997 VND/USD, thấp hơn mức trần 20 đồng. Tỷ giá thị trường tự do tăng 10 đồng ở chiều mua vào nhưng lại giảm 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch ở mức 22.730 - 22.740 VND/USD.

Trên thị trường tiền đồng liên ngân hàng cuối tháng, các mức lãi suất chào bình quân giữa các tổ chức tín dụng giảm nhẹ 0,02 đến 0,12 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn, song lãi suất cho vay đều xoay quanh mức 5%/năm. Các ngân hàng dự báo trong các ngày trước và sau lễ, do nhu cầu đảm bảo dự trữ bắt buộc cuối tháng và yếu tố thanh khoản mùa vụ dịp nghỉ lễ - khi mà nhu cầu rút tiền mặt thường tăng cao - mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ ở mức tương đương lãi suất thị trường mở 5 %/năm cho các kỳ hạn đến 3 tháng.

Mặc dù các dấu hiệu trên thị trường có khác với diễn biến mọi năm nhưng các ngân hàng nhận định rằng tỷ giá trong thời gian tới đây khó có thể giảm sâu, thậm chí có xu hướng tăng dần khi nhu cầu ngoại tệ tăng vào tháng 5 tới. Tuần tới đây, tỷ giá dự kiến dao động trong biên độ từ 22.680 đến 22.785 VND/USD.

Có hai lý do cơ bản ủng hộ cho quan điểm này.

Thứ nhất, về kinh tế vĩ mô, tính đến hết ngày 15-4, thâm hụt thương mại hơn 2,56 tỉ đô la Mỹ, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thứ hai, về thị trường thế giới, đồng đô la Mỹ tiếp tục diễn biến khó dự báo. Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ lại gây thất vọng. Cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt nhiều hơn trong tháng 3, số lượng thất nghiệp tăng hơn so với dự báo và doanh số bán nhà gần đây không mấy tích cực. Chỉ số PMI tổng hợp tháng 4 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua (còn 52,7 điểm), cho thấy nền kinh tế nước này vẫn mở rộng nhưng với tốc độ chậm lại.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BIJ) mới đây cũng đã công bố chính sách tiền tệ của mình. BOJ quyết định giữ nguyên mức lãi suất -0,1% mặc dù nâng đánh giá triển vọng kinh tế Nhật Bản.

Cùng với đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng trong phiên họp tháng 4, đồng thời tỏ ra lạc quan về sự phục hồi kinh tế khu vực. Theo đó, ECB quyết định duy trì các chính sách kích thích nền kinh tế: lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tiền gửi và lãi suất biên được giữ nguyên lần lượt ở mức 0%, -0,4% và 0,25%; đồng thời, dự kiến sẽ tiến hành mức nới lỏng định lượng (QE) hàng tháng với việc mua 60 tỉ euro trái phiếu (khoảng 65,5 tỉ đô la Mỹ) sẽ được áp dụng từ tháng 4 đến hết năm 2017.

Đức Nam