|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng có thể đổi nợ xấu nhất thành vốn góp

15:49 | 03/10/2016
Chia sẻ
Nợ xấu có thể được tái tạo thành vốn góp, cổ phần qua cơ chế này...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu.

Cụ thể, dự thảo thông tư này có mục riêng quy định về việc hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng tại doanh nghiệp, sau khi đã nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật và thực tế xử lý trong thời gian qua.

Theo đó, dự thảo thông tư trên đưa ra quy định, các tổ chức tín dụng được thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, nhưng phải đảm bảo các điều kiện: chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro; tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trước và sau khi hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, trừ trường hợp đặc biệt khi các tổ chức tín dụng đang trong quá trình triển khai tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Sau khi hoàn thiện dự thảo, thông tư trên ban hành cũng là sự cụ thể hóa cơ chế quy định về hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần từ đầu mối cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, cơ chế này cũng đã có trong Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, mà qua đó, từ ngày 1/9/2015, các doanh nghiệp được phép chào bán cổ phiếu để hoán đổi lấy khoản nợ của chủ nợ.

Trước khi có các quy định pháp lý trên, thực tế cũng đã phát sinh nhu cầu này. Như cuối năm 2014, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước về việc tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bằng toàn bộ giá trị khoản vay trị giá 5.000 tỷ đồng.

Đòi dùng ngân sách xử lý nợ xấu, nhưng cụ thể thế nào thì lại không rõ!

Theo Thùy Duyên

VnEconomy