Nga và Trung Quốc áp đảo Mỹ trên thị trường công nghệ điện hạt nhân?
Thị trường điện hạt nhân châu Âu trong tương lai sẽ là sân chơi của riêng Nga và Trung Quốc - Ảnh: minh họa |
Một sự kiện lớn và quan trọng trong lĩnh vực điện năng trên thế giới trong tuần này là vụ phá sản của công ty điện Westinghouse ở Mỹ, nó được đánh giá không chỉ đơn thuần là một vụ phá sản thông thường mà có thể là sự kiện thay đổi bức tranh điện hạt nhân trên toàn cầu theo hướng bất lợi cho Mỹ và có lợi cho hai đối thủ chính của nước này là Nga và Trung Quốc. Thậm chí, đó có thể là cột mốc đánh dấu cho sự lan tràn của công nghệ điện hạt nhân Nga và Trung Quốc trên khắp thế giới trong tương lai gần.
Sự phá sản của công ty điện Westinghouse vừa diễn ra trong tuần này, có thể xem là một tấm gương phản chiếu toàn bộ hình ảnh cũng như các vấn đề của ngành năng lượng hạt nhân ở Mỹ hiện nay. Theo đó, lý do phá sản của Westinghouse, được mua lại bởi tập đoàn Nhật Bản Toshiba vào năm 2006, đến từ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân được cấp phép ở Mỹ hiện tại: 2 dự án ở bang Georgia và 2 dự án ở Nam Carolina.
Chi phí quá lớn và thường xuyên đội mức vốn ban đầu của các dự án điện hạt nhân này được xem là những nguyên nhân khiến công ty điện này phá sản. Và vấn đề không chỉ đơn thuần là thiếu hụt tài chính, mà được xem là đang trở thành đặc điểm của ngành điện hạt nhân ở Mỹ.
Các yêu cầu về an toàn hạt nhân và yêu cầu cấp giấy phép cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ là cực kỳ phức tạp, dẫn đến chi phí xin giấy phép cũng như chi phí thiết kế và thi công trở nên quá lớn, vượt khả năng chi trả của các doanh nghiệp mà Westinghouse là một điển hình. Ngay sau vụ phá sản của Westinghouse, nhiều chuyên gia ở Mỹ đã lên tiếng cho rằng đã đến lúc nước Mỹ cần những quy định và công nghệ mới cho lĩnh vực điện hạt nhân, đơn giản hơn và rẻ hơn.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sự thay đổi này ở trong nước, ngành điện hạt nhân của Mỹ sẽ phải chịu những tổn thất nghiêm trọng tại các thị trường bên ngoài. Về một khía cạnh, vụ phá sản của Westinghouse có thể xem là một thất bại về địa chính trị của Mỹ: Nó sẽ khiến cho các nỗ lực lâu dài của chính phủ Mỹ trong việc khuyến khích các nước Đông Âu mua công nghệ và nhiên liệu hạt nhân của Mỹ thay vì của Nga bị đình trệ nghiêm trọng.
Nói cách khác, nó đồng nghĩa với một sự nhường hẳn cho Nga cơ hội kiểm soát và chi phối thị trường điện hạt nhân ở Đông Âu, và nhường cho các công ty của Trung Quốc trong vai trò các nhà cung cấp chi phối trong thị trường công nghệ điện hạt nhân trên toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, năng lượng hạt nhân được xem như đã lỗi thời và bị phản đối gay gắt bởi các nhà hoạt động môi trường, nhưng nó vẫn là công nghệ sản xuất điện năng ít phát thải carbon nhất và cũng hiệu quả nhất. Các nhà máy điện hạt nhân đang có mặt tại 31 quốc gia, cung cấp 11,5% nhu cầu điện năng toàn cầu, 11 quốc gia phụ thuộc vào điện hạt nhân từ mức 30% trở lên trong đó có 10 nước ở châu Âu.
Bulgaria, CH Czech, Phần Lan, Hungary, Slovakia hiện sử dụng các lò phản ứng do Nga chế tạo, trong đó Hungary và Slovakia đang tiếp tục đặt hàng Nga xây dựng thêm nhiều lò phản ứng hơn nữa trong tương lai gần. Những lò phản ứng này dĩ nhiên sử dụng công nghệ và nhiên liệu của Nga và cung cấp nguồn thu đáng kể cho tập đoàn Rosatom của Nga, hiện đang là nhà xuất khẩu công nghệ hạt nhân lớn nhất thế giới.
Vào năm 2.000, chính công ty Westinghouse đã tìm cách giành lại thị trường này khi cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng của Nga và tìm kiếm khách hàng ở Phần Lan và Hungary. Westinghouse sau đó đã chuyển sang cách vận động chính trị, và sử dụng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 để làm dấy lên nỗi lo ngại về việc phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực điện năng mà chủ yếu là điện hạt nhân.
Năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đồng ý chi 2 tỉ USD cho một liên minh các nhà sản xuất điện hạt nhân do Westinghouse lãnh đạo để phát triển một loại nhiên liệu có thể cạnh tranh và thay thế cho nhiên liệu hạt nhân của Nga. Công ty điện của Mỹ này đã cam kết sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm. Sự tự tin của Westinghouse đã khiến EU lạc quan cho phép 2 dự án xây dựng các lò phản ứng mới tại Hungary do Nga tài trợ.
Tuy nhiên, khi EU phê duyệt dự án điện hạt nhân Paks II của Hungary vào tháng này, thì Westinghouse đã chính thức tuyên bố phá sản. Sự lo sợ của EU về kịch bản phụ thuộc quá mức vào năng lượng điện hạt nhân của Nga không biến mất, nhưng Liên minh châu Âu phải thừa nhận thực tế rằng các công ty điện hạt nhân của phương Tây ở hiện tại không thực sự hiệu quả, kể cả Westinghouse trước khi phá sản cũng đã bị cáo buộc về tình trạng liên tục đội vốn và trì trệ một cách tốn kém trong quá trình xây dựng.
Ngoài Westinghouse đã phá sản, một công ty điện hạt nhân có tiếng khác của EU là Areva của Pháp cũng đang thua lỗ khi mới đây chính phủ Pháp và là cổ đông chính đã phải đồng ý bảo lãnh cho khoản vay hơn 5 tỉ euro (khoảng 5,3 tỉ USD) của tập đoàn này.
Ngược lại, tập đoàn Rosatom của Nga lại là một công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Theo báo cáo hàng năm, trong năm 2015 tổng danh mục đầu tư nước ngoài của Rosatom tăng lên mức 110,3 tỉ USD từ mức 101,4 tỉ USD trong năm 2014. Trong 10 năm tới, Rosatom có hợp đồng xây dựng 36 lò phản ứng trên khắp thế giới.
Những mối lo ngại về việc Moscow có thể gây ảnh hưởng chính trị từ sự độc quyền điện hạt nhân hiện cũng giảm hẳn do giá dầu ngày càng thấp, và Nga cần cân bằng thương mại hơn trước rất nhiều. Điển hình cho điều này là Gazprom, tập đoàn khí đốt vẫn được xem là một vũ khí chính trị trong quá khứ của Moscow thì mới đây cũng đạt được thỏa thuận với Ủy ban châu Âu về hợp đồng cung cấp khí đốt cho các nước EU ở Trung và Đông Âu – một thỏa thuận được xem là lịch sử.
Và ngoài Nga, các nước trên thế giới hiện tại quan tâm đến điện hạt nhân chỉ còn một sự lựa chọn, đó là Trung Quốc. Tập đoàn điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc hiện đã mua công nghệ từ Nga (cho phép cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng do Nga thiết kế), cả từ Westinghouse lẫn Areva (cho phép cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng do Mỹ và Pháp thiết kế). Chính điều này khiến Trung Quốc đang được xem là nước có nhiều tiềm năng nhất trong việc mở rộng và thâu tóm thị trường điện hạt nhân toàn cầu.
Dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C của Anh mới đây được thủ tướng Theresa May cho phép đầu tư của Trung Quốc là bước đi đầu tiên của châu Âu trong việc chấp nhận điện hạt nhân Trung Quốc. Sẽ không quá khó khăn để đoán được rằng thị trường điện hạt nhân châu Âu trong tương lai sẽ là sân chơi của riêng Nga và Trung Quốc, dĩ nhiên trừ trường hợp châu Âu lựa chọn nói không với điện hạt nhân để thay bằng điện gió và điện mặt trời như Đức chẳng hạn.