|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nga đứng trước nguy cơ mất thị phần dầu mỏ

21:20 | 07/12/2016
Chia sẻ
Giới chức Nga dự báo nguồn thu ngân sách quốc gia nhờ vào việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ sẽ tăng. Tuy nhiên, trong dài hạn, liệu đây có phải là một dấu hiệu tốt?!
nga dung truoc nguy co mat thi phan dau mo

Giá dầu tăng cũng không bảo đảm lợi nhuận cho các nhà sản xuất. Ảnh: Reuters.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu hôm 30/11 vừa qua.

Nga cũng thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ như một phần trong thỏa thuận của nước này với OPEC, nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới.

Báo Độc lập (Nga) cũng có nhận định rằng việc cắt giảm sản lượng khai thác, sẽ giúp đẩy giá dầu tăng, hứa hẹn có thêm nguồn thu vào ngân sách quốc gia.

Cụ thể, giới chuyên môn ước tính nguồn thu từ dầu mỏ của Nga trong năm 2017 sẽ tăng khoảng từ 9-19 tỷ USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại tin rằng về lâu dài, các công ty dầu mỏ của Nga sẽ mất đi một thị phần quan trọng bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường “vàng đen” thế giới.

Người được hưởng lợi từ quyết định cắt giảm trong dài hạn sản lượng dầu mỏ chính là Saudi Arabia, Canada, Venezuela...- vốn là những quốc gia khó lòng tăng sản lượng dầu mỏ, dù muốn hay không.

Ông Pavel Sorokin, Giám đốc Trung tâm phân tích, thuộc Bộ Năng lượng Nga, nhận định trong bối cảnh các nước OPEC và các nước xuất khẩu dầu mỏhàng đầu thế giới cùng thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng, sẽ giúp đẩy giá dầu tăng, và nguồn thu ngân sách của Nga có thể sẽ tăng đến 600 tỷ ruble (khoảng 9,3 tỷ USD).

Đây là lần đầu tiên từ năm 2008 OPEC đưa ra quyết định lịch sử cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày và quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2017 tới và có hiệu lực trong vòng 6 tháng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý, là ngoài việc ủng hộ quyết sách trên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây đã tuyên bố dứt khoát rằng Nga sẽ cắt giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày, tương đương 2% sản lượng toàn cầu.

Ông Novak cũng khẳng định dự kiến đến ngày 10/12 tới, trong cuộc gặp cấp Bộ trưởng Năng lượng các nước thuộc OPEC tại Vienna (Áo), Nga sẽ công bố tiến trình cắt giảm sản lượng của các công ty khai thác và chế xuất dầu mỏ Nga.

Trước tuyên bố của Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, một số nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm sản xuất 300.000 thùng/ngày trên tổng số 11,2 triệu/thùng/ngày là mức cắt giảm kỷ lục. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã đạt được mức cắt giảm này từ tháng 10 vừa qua.

Rõ ràng đây không phải là một thử thách quá nghiêm trọng đối với Nga. Tổng Giám đốc Công ty dầu mỏ "Zarubezhneft", ông Sergey Kudryashov cho rằng việc cắt giảm sản lượng có thể được thực hiện ngay chỉ sau 20-30 phút công bố. Theo ông, đối với Nga, việc cắt giảm khoảng 2-3% sản lượng không đòi hỏi bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào.

Lúc này, giới chức Nga hoàn toàn tin tưởng rằng thỏa thuận với OPEC sẽ tác động tích cực tới các hoạt động của họ và nền kinh tế nói chung. Sẽ tốt hơn để sản xuất 10 triệu thùng với giá 60 USD, thay vì 15 triệu thùng với giá 40 USD, bởi Nga sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất và vận chuyển.

Điều quan trọng hơn, mà ai cũng biết, - nguồn cung dầu mỏ không phải là vô tận. Nó là nguồn tài nguyên không tái tạo. Nga cũng khẳng định không có vấn đề kỹ thuật nào phát sinh trong quá trình cắt giảm sản lượng, bởi hầu hết các công ty dầu mỏ của Nga đều có những giếng dầu cho sản lượng thấp. Họ hoàn toàn có thể ngừng khai thác, để kết hợp bảo dưỡng ở những giếng dầu như vậy.

Tờ báo Nga phân tích, lúc này hầu như mọi dấu hiệu đều chứng tỏ những thuận lợi nếu Nga cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý cảnh báo của một số chuyên gia quốc tế rằng những thuận lợi kể trên chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, cắt giảm sản lượng, cũng đồng nghĩa việc các công ty dầu mỏ của Nga có thể để mất vị thế của mình trên thị trường vàng đen thế giới.

Các công ty vốn có chi phí sản xuất dầu mỏ cao tại Canada, Venezuela, đang sở hữu khoảng 10% thị phần vàng đen, rất có thể sẽ tranh thủ chiếm lĩnh thị phần. Nếu không cẩn thận, Nga sẽ phải trả giá đắt, mà những mối lợi trước mắt cũng sẽ không đủ bù trừ.

Các chuyên gia phân tích kết luận, trong động thái cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong suốt 8 năm qua của OPEC, những quốc gia vốn không thể tăng sản lượng khai thác như Saudi Arabia, như Canada hay Venezuela - những nước có nguồn thu từ dầu mỏ không phụ thuộc vào giá dầu thế giới, mục tiêu quan tâm của họ chỉ là tăng khối lượng sản xuất.

Và trong dài hạn, chính họ sẽ là người chiến thắng. Họ gần như không thể tăng sản xuất, bởi vậy giá dầu tăng chắc chắn sẽ là mối lợi trước mắt của họ.

Gia Linh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.