|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nền kinh tế hoa hậu

15:09 | 04/08/2023
Chia sẻ
Theo thống kê chính thức, năm ngoái có 30 cuộc thi sắc đẹp được tổ chức tại Việt Nam, tức trung bình tháng nào cũng có một cuộc thi hoa hậu được diễn ra. Liệu Việt Nam có đang lạm phát hoa hậu và giá trị kinh tế, xã hội phía sau những cuộc thi này là gì?

“Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu", đây là phát ngôn châm ngòi cho làn sóng phản đối Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi trong những ngày qua.

Nhiều ý kiến cho rằng cô gái 21 tuổi, vừa bước ra từ cuộc thi Miss World Vietnam 2023 có phần nào tỏ ra tự đề cao bản thân so với người khác. Sau đó, Ý Nhi đã lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình song làn sóng tẩy chay vẫn không giảm.

Nhóm anti Ý Nhi trên Facebook đã có hơn 550.000 thành viên, đây được ghi nhận là hội nhóm anti lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Sự việc chưa dừng lại khi ngày 2/8, hoa hậu Ý Nhi tiếp tục gây tranh cãi với câu trả lời về ba nhân vật nổi tiếng đất Bình Định.

Ngay lập tức, một tờ báo điện tử đã có bài viết với tiêu đề: "Hoa hậu có thực sự cần cho xã hội không mà tổ chức thi nhiều đến thế?". Bài viết gây được sự chú ý của công chúng khi câu hỏi đặt đúng trọng tâm trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam trung bình có 30 cuộc thi sắc đẹp.

Những hoạt động sau khi đăng quang của Top 3 Miss World Vietnam 2023 được tổ chức bởi Sen Vàng - đơn vị đứng sau nhiều cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam. (Ảnh: Miss World Vietnam 2023).

"Nền kinh tế hoa hậu" (Beauty Pagaent Economy) chưa phải là một thuật ngữ được công nhận rộng rãi hay xuất hiện trong các nghiên cứu kinh tế. Theo một báo cáo của khoa Lịch sử, đại học North Carolina (Mỹ), các cuộc thi sắc đẹp là một phần của nhiều nền văn hóa và xã hội trong nhiều thế kỷ nhưng phải đến đầu thế kỷ 20 thì nền kinh tế hoa hậu mới bắt đầu bùng nổ.

Thuật ngữ "nền kinh tế hoa hậu" dùng để mô tả tác động khía cạnh kinh tế của các cuộc thi sắc đẹp. Khó có thể đong đêm giá trị kinh tế mà các cuộc thi hoa hậu mang lại, nó tồn tại ở dạng vật chất hữu hình như quảng bá sản phẩm, truyền thông, bán vé,... đến những dạng vô hình như chương trình thiện nguyện, hành động vì môi trường,...

Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể kể đến một số tác động có thể nhìn thấy. Đầu tiên, các cuộc thi hoa hậu sẽ tạo ra doanh thu thông qua hoạt động bán vé cũng như thu hút nguồn tài trợ, hợp tác truyền thông từ các nhãn hàng. Đơn cử, giá vé cho đêm chung kết Miss Grand International 2023 tổ chức tại TP HCM cuối tháng 10 này dao động từ 3-4 triệu đồng, tùy hạng vé.

Tiếp đó, nhiều hoạt động kinh tế xung quanh các cuộc thi sắc đẹp sẽ được hưởng lợi. Từ du lịch, khách sạn, truyền thông, thời trang tới tổ chức sự kiện... mức độ của tác động sẽ tùy thuộc vào bối cảnh, khu vực và quy mô của cuộc thi.

Chẳng hạn, Miss World Vietnam 2023 và 2022 tổ chức tại MerryLand Quy Nhơn được phát triển bởi Tập đoàn Hưng Thịnh, đã giúp nhiều du khách biết tới địa điểm này hơn.

Trên thế giới, các cuộc thi như Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Thế giới (Miss World) và Hoa hậu Quốc tế (Miss International)... thu hút hàng trăm nghìn thí sinh từ nhiều quốc gia khác nhau. Đứng sau những cuộc thi này hầu hết là các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí.

Trong đó, Miss World, Miss Universe, Miss International và Miss Earth được xếp vào hàng "Big Four" của ngành sắc đẹp. Hồi cuối năm ngoái, doanh nhân Thái Lan, Anne Jakapong Jakrajutatip -CEO JKN Global Group, đã thu hút sự chú ý của truyền thông khi mua quyền tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) với giá trị thương vụ lên tới 20 triệu USD.

Trước đó, bản quyền cuộc thi này thuộc về tập đoàn International Management Group của cựu Tổng thống Mỹ, Donald Trump. Doanh nghiệp của ông Trump được biết đến là đơn vị đứng sau nhiều cuộc thi sắc đẹp ở Mỹ trong suốt hai thập kỷ qua.

Đằng sau thương vụ này, ngoài giá trị tiền bạc, còn đánh dấu mơ ước của bà Anne Jakapong Jakrajutatip - một người chuyển giới nữ: "Từ ngày bé, tôi đã cảm thấy tâm hồn của mình đặt sai cơ thể... tôi nghĩ rằng cuộc thi này nên được điều hành bởi một phụ nữ.

Tôi biết mình phải làm gì để truyền cảm hứng giúp phụ nữ trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ. Tôi sinh ra để dành cho Hoa hậu Hoàn vũ", CEO JKN Global Group chia sẻ.

Riêng tại Việt Nam, cái tên đáng chú ý nhất trong nền kinh tế hoa hậu là công ty Sen Vàng, được thành lập từ năm 2013, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Đây là đơn vị từng hợp tác với tờ Tiền Phong, tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vào các năm 2014, 2016 và 2018.

Sau đó, Sen Vàng hợp tác với Elite Việt Nam để nắm giữ nhiều bản quyền cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Đến nay, Sen Vàng đang nắm giữ bản quyền 10 cuộc thi hoa hậu, hoa khôi trên thế giới.

Ngành công nghiệp thi sắc đẹp có những chỉ trích song đây cũng là nơi giúp tạo ra nhiều giá trị tích cực. Hoạt động từ thiện là điểm dễ nhìn thấy nhất ở các hoa hậu. Sau khi đăng quang, những cô gái xinh đẹp sẽ tham gia vào các hoạt động gây quỹ, sự kiện từ thiện và các dự án phục vụ cộng đồng trong suốt nhiệm kỳ giữ vương miện của họ.

Điều này giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội và đóng góp cho các tổ chức từ thiện, tạo tác động tích cực với cộng đồng.

Những ý kiến ủng hộ tin rằng các cuộc thi sắc đẹp giúp phụ nữ có được sự tự tin, phát triển kỹ năng trình diễn trước công chúng và thúc đẩy các hoạt động từ thiện. Những cuộc thi này tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ, truyền cảm hứng cho phái đẹp và có thể mở ra cho nhiều cô gái cơ hội đổi đời.

Nhiều hoa hậu sau khi kết thúc nhiệm kỳ có thể trở thành người mẫu, diễn viên hoặc tham gia vào ngành giải trí. Nhìn chung, ngành công nghiệp thi sắc đẹp là một lĩnh vực phức tạp và đang phát triển, kéo theo nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của hoa hậu với xã hội. Tuy vậy, không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà các cuộc thi sắc đẹp tạo ra.

Thành Vũ