Nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. Cụ thể là việc sử dụng Quỹ BOG được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nghị định này cũng quy định, Chính phủ quyết định BOG xăng dầu trong nước và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp BOG trong thời hạn áp dụng biện pháp BOG.
Nên hay không sử dụng Quỹ BOG?
Theo các chuyên gia năng lượng, Quỹ BOG xăng dầu được xây dựng trên cơ sở trích lập lúc giá thấp để chi sử dụng khi có biến động giá tăng cao bất thường, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường.
Cần mở rộng đối tượng tham gia Quỹ BOG xăng, dầu ngoài người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, trong suốt một khoảng thời gian dài, nhất là 2 năm trở lại đây, giá năng lượng luôn ở mức thấp, việc vừa thu vừa xả quỹ BOG trong điều hành giá xăng dầu vốn đã không phù hợp, cơ chế hình thành quỹ không lớn, không tạo được nguồn đủ để có thể hỗ trợ thị trường.
Chuyên gia năng lượng đến từ Ngân hàng thế giới (WB) - Bà Masami Kojima cho rằng, giá năng lượng tại thị trường Việt Nam đang bị “bóp méo” bởi vẫn còn các chính sách trợ giá. Việc sử dụng Quỹ BOG xăng, dầu chưa phù hợp.
“Khi giá thị trường xuống thấp cơ quan điều hành không chịu tranh thủ để tích lũy mà vẫn xả quỹ này ra và không có điều kiện để tích lũy, đến khi giá tăng lên lại không có để bù vào. Thực tế khi giá dầu trên thị trường thế giới xuống thấp nhưng dư Quỹ BOG cũng không nhiều, nếu giá xăng dầu vọt tăng chắc chắn sẽ không có tiền để bình ổn”, bà Masami Kojima dẫn chứng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, với một quốc gia đang nhập khẩu tới 70% nguồn xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, Việt Nam nên mạnh dạn bỏ Quỹ BOG xăng, dầu để đưa giá theo đúng quy luật thị trường.
“Cần xem xét lại Quỹ BOG xăng, dầu, nếu cần cho dự phòng trong tương lai cũng cần cụ thể về thời gian. Các dự báo trên thế giới đều cho thấy, đến năm 2020 giá dầu vẫn chỉ dưới 60 USD/thùng, do vậy cần lý giải sự cần thiết của Quỹ BOG như thế nào, vận dụng như thế nào cho thích hợp. Nếu cứ vận dụng theo cách cũ để đề phòng giá xăng dầu tăng, dùng quỹ đó làm giảm giá có lẽ không còn thích hợp”, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý.
Mặc dù ghi nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc điều hành giá xăng, dầu thời gian qua theo xu hướng có tăng, có giảm. Nhưng chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tuân thủ theo nguyên tắc thị trường do quá lạm dụng sử dụng Quỹ BOG xăng, dầu.
Vì vậy, theo TS. Nguyễn Minh Phong, cần mạnh dạn bỏ hẳn Quỹ BOG xăng, dầu bởi sự tồn tại của quỹ này thời gian qua chỉ làm "nán níu" thêm khoảng thời gian tăng hay giảm giá. Hơn nữa trên thực tế, tiền của quỹ được lấy từ giá xăng dầu nên khi giá xăng, dầu thế giới giảm thì giá xăng, dầu trong nước lại tăng (trích lập quỹ), và ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước lại giảm (do xả quỹ).
TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét, chính từ điều này đã dẫn đến 2 bất cập lớn cần phải được phân tích để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới: “Thứ nhất, việc sử dụng Quỹ BOG làm cho hoạt động điều hành giá xăng dầu trở nên bị nhiễu, không tuân thủ đúng động thái cũng như mức độ mà nó tạo ra sự chênh cả về thời gian cũng như mức độ, không còn thị trường bên cạnh sự thiếu cạnh tranh. Thứ 2, việc thực hiện thông tin giải trình các thông số liên quan đến các quỹ, dù người dân tạm chấp nhận về thời điểm nhưng giải thích chưa được thấu đáo, thiếu cơ quan đánh giá hoạt động của quỹ. Để có thị trường, nên bỏ hẳn Quỹ BOG”.
Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long thì vẫn nên có Quỹ BOG để đề phòng những lúc giá cả biến động bất thường. Tuy nhiên, cần phải mở rộng đối tượng tham gia quỹ này bởi hiện nay, mới chỉ có người tiêu dùng đóng Quỹ BOG là chưa phù hợp. Cần phải có sự tham gia của cả Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Có nên sửa đổi Nghị định 83?
Đánh giá về hoạt động điều hành thị trường sau 2 năm thực hiện Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc thực hiện Nghị định 83 vẫn nảy sinh một số bất cập.
Trong đó, mặc dù biên độ điều chỉnh giá đã được giảm từ 30 ngày (Nghị định 84) xuống còn 15 ngày, nhưng vẫn còn khá dài. Và mặc dù Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiến tới định giá xăng, dầu hàng ngày, nhưng điều này sẽ cần phải có thời gian.
Vì vậy, PGS.TS. Ngô Trí Long đề xuất nên “nới” biên độ, đưa xuống còn 10 ngày để điều hành phù hợp hơn với diễn biến giá thị trường. Đồng thời, từ những bất cập trong 2 lần tính nhầm, tính thiếu thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cần có những sửa đổi trong cơ chế điều hành về thuế. Đây cũng là những vấn đề rất đáng quan tâm, tránh trường hợp “đổ lỗi cho nhau” trong chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành./.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/