Namster Đỗ: Cái khó của startup là thoái vốn, chứ không phải gọi vốn
Không ai có thể dạy ai startup
Từng startup thành công ở Úc và Mỹ, anh có kinh nghiệm gì để chia sẻ với những người đã và đang có mong muốn khởi nghiệp ở Việt Nam?
Trước hết, tôi cần nhấn mạnh một điều, không ai có thể dạy ai khởi nghiệp. Mọi kinh nghiệm của tôi hay những người khác, các bạn startup chỉ nên tham khảo và tự tìm con đường phù hợp nhất với mình. Cách người này thành công chưa chắc đã đúng với người khác. Vì thế, nếu bắt chước một cách chính xác thì chắc chắn là sai.
Với trường hợp startup thành công, chúng ta nên phân tích suy luận xem vì sao thời điểm ấy họ lại như thế này mà không phải thế khác. Từ đó, tìm ra từ khóa và cách thức, đường đi nước bước cho sản phẩm của mình tại thời điểm bắt đầu, tương ứng với diễn biến thị trường và điều kiện hoàn cảnh.
Ông Đỗ Hoài Nam. Ảnh: Lê Loan |
Theo anh, các startup Việt bây giờ đang gặp khó ở chỗ nào?
Khó khăn nhất của startup Việtbây giờ làkiến thức quá ít. Khi về Việt Nam, tôi đã gặp nhiều startup cótư duy thông minh về kinh doanh,kinh nghiệm dày dặn và hiểu rất rõ về ngành hẹp mà họ theo đuổi. Họ có một sản phẩm đi đúng hướng nhưng vẫn không đủ thuyết phục tôi đầu tư.
Ví dụ, kế hoạch kinh doanh luôn là điều tôi nhấn mạnh với startup. Nhà đầu tư không ngồi để nghe câu chuyện, định giá sản phẩm của chúng tôi là 1 triệu USD, nếu anh bỏ 200.000 USD anh sẽ có 20% cổ phần. Cái nhà đầu tư quan tâm là với 200.000 USD đầu tư, startupsẽ làm gì để đạt được lượng khách hàng và phát triển sản phẩm như mục tiêu đặt ra?
Đừng nói với nhà đầu tư, bạn đang có 200 khách hàng và cần 100.000 USD để có 2.000 khách hàng. Hai con số này không khác nhau là mấy.Hãy nói, tôi cần 500.000 USD để có 100.000 khách hàng sau một năm, kèm theocác tính toán cụ thể về tốc độ tăng trưởng. Còn nếu bỏ 100.000 USD để startup có được 2000 khách hàng, sau đó các bạn lại đi gọi thêm vốn để có 5.000, 10.000, thì khi đạt tới con số 100.000, có lẽ startup phải gọi thêm 5-10 nhà đầu tư khác. Lúc này, tỷ lệ % mà nhà đầu tư được hưởng còn quá ít. Tôi muốn các startup hiểu rõ bản chất của kế hoạch kinh doanh và cấu trúc vốn (capital structure).
Có những startup trong lĩnh vực y tế, làm về ứng dụng cho người bị tai biến. Sau khi trao đổi, họ hỏi tôi rằng, vì sao tôi biết nhiều về tai biến vậy? Thực tế, khi làm ứng dụng đo sóng não tôi đã học kiến thức liên quan đến não.
Những người trẻ phải biết rằng, một startup muốn có ý tưởng tốt, họ phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Chính vì thế có người cho rằng để đưa ra ý tưởng thì đơn giản – đó chỉ là câu nói cửa miệng vì thực tế không có kiến thức thì không thể có ý tưởng.
Học cách đứng trên vai người khổng lồ
Có một điều nhiều người hay thắc mắc là những startup bước đầu thành công ở Việt Nam đều có yếu tố nước ngoài như Khôi Nguyễn với Wefit, GotIt của Hùng Trần…. Ngay cả anh cũng đi học ở nước ngoài rồi khởi nghiệp. Anh có thể lý giải điều này?
Mấu chốt của vấn đề này nằm ở hai chữ “cọ xát ”.Những người đi học ở nước ngoài có cơ hội được cọ xát nhiều hơn, chứ không phải họ thông minh hơn. Chính kiến thức và kinh nghiệm từ môi trường khởi nghiệp quốc tế cho những người này nhiều cơ hội hơn và khả năng thành công cao hơn. Nếu một bạn trẻ ở Việt Nam có kiến thức và kinh nghiệm nhiều, thì việc thành công là đương nhiên.
Ngô Xuân Huy của Money Lover là một ví dụ. Huy học trong nước nhưng có nhiều cơ hội học hỏi, tự đẩy sản phẩm từ kinh nghiệm học được. Thị trường Việt Nam ai cũng bảo khác thế giới, đó là nếu đi sâu vào từng ngành, còn nhìn về mặt vĩ mô, thì không khác nước ngoài là mấy. Những người ở nước ngoài có cơ hội tiếp xúc nhanh hơn với các xu hướng thịnh hành trên thế giới so với người ở Việt Nam. Khi mang xu hướng này về nước, họ kết hợp giữa văn hóa bản địa để phân tích, tìm ra cách làm,hướng đi, tạo ra sự phù hợp và khác biệt để nâng cao cơ hội thành công.
Vậy theo anh, các startup Việt Nam thành công là nhờ đi theo đúng xu hướng trên thế giới?
Có 2 cách cơ bản mà các startup đi theo: Một là tạo những sản phẩm đột phá (breakthrough), hai là đi theo xu hướng. Cách thứ nhất không nhiều người làm được.Vì thế, các công ty ở Việt Nam hầu hết đi theocách thứ hai.
Chúng ta nói nhiều về việc “đứng trên vai người khổng lồ” nhưng không phải ai cũng hiểu về nó. Thực tế là chỉ người khổng lồ mới tạo ra được xu hướng và mọi người nương theo để tạo ra sản phẩm có giá trị đóng góp thị phần vào đó. Sau đó, tất cả lại triệt tiêu hoặc mua lẫn nhau để người mạnh nhất sống. Một cách khách quan, sự thất bại của một công ty là thành công của thị trường. Các nhà đầu tư chỉ thất bại khi không đầu tư được tiền chứ không phải mất tiền khi đầu tư.
Đã có nhiều startup Việt Nam gọi vốn được từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.Theo anh, đó có phải là một bước thành công? Anh có lời khuyên nào cho các startup?
Đó là thành công trong việc gọi vốn.Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, cái khó nhất của khởi nghiệp không phải gọi vốn mà là thoái vốn. Tức là sau khi trải qua các vòng gọi vốn và phát triển, các founder bán được startup của mình với giá từ vài trăm triệu đến 1 tỷ USD. Đây mới là điều đáng quan tâm và là đích mọi startup đều hướng tới.
Một điều mà tôi nghĩ các start up cần cân nhắc là sự minh bạch, rõ ràng về quyền lợi khi hợp tác.
Có một startup sở hữu 1 triệu người sử dụng và kêu gọi tôi đầu tư 300.000 USD để tiếp tục tăng trưởng. Mâu thuẫn xảy ra khi startup này kết hợp với các nhà mạng và mỗi tháng doanh thu lên tới hàng chục tỷ. Lúc này, 2 founder ai cũng muốn giữ vị trí của mình trong startup để đảm bảo quyền lợi. Cuối cùng mâu thuẫn không thể giải quyết đã khiến họ “chia tay” nhau trước khi sản phẩm ra được thị trường. Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều startup đã thành công trên thế giới.
Xin cảm ơn anh.