|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Năm bình yên của ngân hàng

15:04 | 30/12/2016
Chia sẻ
Năm 2016 trên bề mặt là một năm yên lành đối với các ngân hàng. Thanh khoản tiền đồng và ngoại tệ dồi dào hầu như suốt cả năm. Lãi suất không biến động và ổn định ở mức thấp, phải nói là thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây.

Trong hai tháng cuối năm, tỷ giá chuyển động theo hướng tiền đồng giảm giá so với đô la Mỹ, phù hợp với sự lên giá của đồng đô la trên thị trường tài chính quốc tế và định hướng của nhà điều hành. Còn lại chút nào đó băn khoăn thì đó là tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và gắn liền với nó là xử lý nợ xấu.

Vốn mồi xử lý nợ xấu

Ổn định mặt bằng lãi suất là một nỗ lực không thể phủ nhận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu so với lãi suất của thế giới và khu vực, lãi suất ở Việt Nam vẫn còn rất cao. Tuy nhiên lãi suất ở Việt Nam có đặc thù riêng không thể không tính đến. Lãi suất là một trong những công cụ chủ yếu để đảm bảo giá trị cho đồng nội tệ - một trong hai nhiệm vụ cơ bản của NHNN (nhiệm vụ kia là kiểm soát lạm phát).

Lãi suất đầu vào của ngân hàng ở mức 5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn và khoảng 7%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trên cơ sở đó lãi suất đầu ra ưu đãi quanh 7%/năm và không ưu đãi trung, dài hạn cỡ 9-10%/năm. Lãi suất huy động nếu thấp hơn nữa có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu vào của ngân hàng một khi lạm phát là 5%.

Vấn đề gây tranh luận hiện tại là liệu lãi suất có thể giảm thêm. Rõ ràng lãi suất hiện hành chưa hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Biên lợi nhuận của doanh nghiệp bị hạn chế khi lãi suất vốn vay cao. Nói một cách khác, một phần không nhỏ hiệu quả doanh nghiệp chảy vào ngân hàng.

Song nói đi cũng phải nói lại. Ngân hàng đang gánh chịu một khối nợ xấu khổng lồ - vốn đang hàng ngày bào mòn lợi nhuận, đẩy chi phí giá thành vốn lên cao, ngăn cản cơ hội hạ lãi suất - mà nợ xấu ấy không phải chỉ do lỗi ngân hàng. Trong nợ xấu có trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó đòi hỏi hạ lãi suất chỉ từ một phía ngân hàng là chưa thực tế và khả thi.

Tháo gỡ nợ xấu cần được xem là trách nhiệm của nhiều phía trong đó có doanh nghiệp, ngân hàng và cả các bộ, ngành khác. Giải quyết thế nào khối nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang giữ? Chờ thu hồi được nợ hay thành lập thị trường mua bán nợ đều cần thời gian và một bộ khung pháp lý mà đến giờ vẫn còn khó thống nhất giữa các cơ quan quản lý.

Đã có không ít ý kiến phải có vốn mồi trong xử lý nợ xấu. Nguồn vốn đó là bao nhiêu và lấy từ đâu chỉ riêng NHNN không thể quyết định. Có thể một phần vốn từ ngân sách? Có thể một phần vốn vay nước ngoài?

Ngoài ra tâm điểm không chỉ là vốn mà còn là cơ chế đi kèm để đảm bảo sử dụng vốn này hiệu quả. Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng như nguồn lực chính để tháo gỡ nợ xấu, thời gian chờ đợi có thể tới chục năm. Hậu quả mà nền kinh tế chịu đựng trong những năm ấy có thể còn lớn hơn số vốn bỏ ra để làm vốn mồi.

Cho phép tái cấu trúc thuê ngân hàng?

Liên quan đến nợ xấu, tiến trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng đang diễn ra chậm chạp hơn mong muốn và cả đòi hỏi của nền kinh tế. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đang được xét xử phúc thẩm. Những sai phạm ở Ngân hàng Đông Á đang từng bước được xử lý. Vụ án Hà Văn Thắm và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cũng sắp xử sơ thẩm. Những thiệt hại của một số ngân hàng và trách nhiệm của những người gây ra thiệt hại đã và đang được làm rõ.

Tới đây số phận các ngân hàng yếu kém sẽ đi về đâu thì chưa rõ như trách nhiệm của những người gây ra thiệt hại. Trước mắt Vietcombank và VietinBank tiếp tục hỗ trợ ba ngân hàng 0 đồng. Cả Vietcombank và VietinBank đều niêm yết, có cổ đông ngoại chiến lược. Nhà đầu tư cũng như cổ đông có quyền được biết việc hỗ trợ các ngân hàng yếu kém bao giờ kết thúc.

Tận dụng nguồn lực nước ngoài trong tái cơ cấu ngân hàng là việc không thể bỏ qua. Kinh nghiệm của các nước khu vực cho thấy nước ngoài sẵn sàng tham gia vào tiến trình tái cơ cấu kể cả tham gia vốn một khi nước chủ nhà có cơ chế thích hợp, đảm bảo cho họ có lợi nhuận, tức cả hai bên cùng thắng.

Ở Indonesia trước đây có thời điểm nước ngoài bỏ tiền mua toàn bộ một ngân hàng nợ xấu đầm đìa. Sau đó họ đưa người vào thay đổi quản trị doanh nghiệp, khôi phục ngân hàng khỏe mạnh và những năm sau bán lại cho phía nhà nước hoặc giới doanh nhân trong nước. Thí dụ sau năm năm tái cấu trúc, nước ngoài chỉ còn nắm giữ 70% cổ phần ngân hàng. Thêm một, hai năm nữa tỷ lệ này hạ xuống 50%, rồi kế đó 30% và 0%. Ở đây nước ngoài thực chất làm công việc tái cấu trúc thuê và họ gánh rủi ro, lời ăn lỗ chịu. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng cách làm tương tự.

Năm 2016 mặt khác ghi nhận việc tái cấu trúc của một số tổ chức tín dụng cổ phần còn dở dang. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank chưa tổ chức xong đại hội đồng cổ đông thường niên. Tương tự Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) đã nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam từ tháng 10-2015 cũng chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Những tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục được thị trường phản ánh vào giá cổ phiếu các ngân hàng niêm yết. Thị giá của STB, EIB, SHB đang ở vùng đáy thấp nhất kể từ khi lên sàn. Điều này đã ít nhiều tác động đến mặt bằng cổ phiếu ngân hàng nói chung. Trừ VCB, cổ phiếu của BID, CTG đã mất điểm tương đối so với đầu năm.

Thành Nam