|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ: Không cần Quốc Hội vẫn có thể triển khai quân đội?

15:56 | 07/04/2017
Chia sẻ
Bloomberg đăng tải bài viết phản ánh ý kiến của các nghị sĩ và thành viên Quốc Hội Mỹ về hành động quân sự của tổng thống Donald Trump nhằm vào Syria ngày 6/4.
my khong can quoc hoi van co the trien khai quan doi
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguồn: Bloomberg.

Mỹ đã phóng lửa vào một căn cứ quân sự ở Syria mà không có sự chấp thuận chính thức từ Quốc Hội. Bloomberg đã tổng hợp một vài câu hỏi và câu trả lời về việc làm thế nào và tại sao tổng thống Donald Trump có thể tiến hành hành động quân sự mà không có sự cho phép từ 535 người đại diện cho người dân Mỹ.

Quốc Hội có biết đến hành động quân sự này không?

Ông Trump đã thông báo tới Quốc Hội kế hoạch triển khai 59 tên lửa Tomahawk vào tối thứ Năm (6/4) nhắm vào căn cứ quân sự nhằm trả đũa việc tổng thống Syria Bashar Assad sử dụng vũ khí hóa học để tấn công người dân nước này vào đầu tuần, lấy đi mạng sống của hơn 80 người dân. Các quan chức Nhà Trắng nói rằng 24 thành viên Quốc Hội, gồm cả đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, đã được thông báo về hành động quân sự này. Ông Paul Ryan, chủ tịch Hạ viện Quốc Hội Mỹ, nói rằng ông cũng nhận được thông báo.

Chỉ cần thông báo đến Quốc Hội là đủ? Họ không cần cho ý kiến?

Luật War Power Resolution, được ban hành năm 1973, sau khi Mỹ tấn công vào Việt Nam, yêu cầu tổng thống cần xin ý kiến của Quốc Hội trước khi điều quân đội Mỹ tham gia vào chiến trường, trừ khi đã có tuyên bố chiến tranh. Quân đội không thể ở lại chiến trường nhiều hơn 90 ngày trừ khi các nhà làm chính sách ủng hộ. Theo Bộ ngoại giao Mỹ, bộ luật này cũng cho phép tổng thống “tự do ứng phó với những đợt tấn công bất ngờ hoặc trong trường hợp khẩn cấp”.

Và nhờ sự “tự do” đó, tổng thống George W. Bush, Barack Obama và giờ là ông Trump đã tận dụng lợi thế cho mình. Sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001, Quốc Hội đã cho ông Bush quyền tấn công bất cứ quốc gia hay tổ chức nào liên quan đến vụ tấn công, được chấp nhận là nhằm vào al-Qaida. Ông Obama sử dụng thẩm quyền tương tự để tấn công nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo, nổi lên như một nhánh của al-Qaida năm 2014. Và ông Trump đã sử dụng quyền này để tiếp tục các hành động quân sự ở Iraq, Afghanistan và Syria.

Năm 2011, chính quyền tổng thống Obama đã duy trì hoạt động đóng quân kéo dài trong nhiều tháng ở Libya mà không cần sự cho phép của Quốc Hội, vì quân đội Mỹ đã đảm nhận vai trò hỗ trợ trong liên minh quốc tế.

Tháng 2/2015, ông Obama đã đệ trình ý kiến lên Quốc Hội để chính thức tiến hành chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vì nhóm vũ trang có thể uy hiếp nước Mỹ nếu không được kiểm soát. Quyết định của ông sẽ có hiệu lực trong 3 năm, và không có giới hạn về vùng lãnh thổ đối với quân đội Mỹ. Quốc hội đã mở vài phiên họp, nhưng chưa bao giờ thông qua đề nghị này.

Quốc Hội sẽ nghĩ gì?

Thượng nghị sĩ Bob Corker của Tennessee, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, trước khi diễn ra trận phóng tên lửa, cho biết ông Trump nên xin ý kiến từ Quốc Hội, nhưng không nhấn mạnh rằng cần phải được Quốc hội thông qua.

Thượng nghị sĩ Mike Lee cho rằng nếu Mỹ tăng cường sử dụng quân sự với Syria, thì “chúng ta nên làm theo quy định và xin thẩm quyền từ Quốc hội”. Các nhà hoạch định chính sách khác của đảng Cộng Hòa là Thomas Massi và Rand Paul cũng đồng ý với quan điểm này.

“Tổng thống Trump nên trình bày kế hoạch của mình trước người dân Mỹ và cho phép họ lựa chọn đại biểu để tranh luận về những lợi ích và rủi ro của việc can thiệp sâu vào Trung Đông vì an ninh quốc gia”, ông Lee nói.

Những thành viên khác của đảng Cộng Hòa, như thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida, thì hoan nghênh hành động này của ông Trump.

Lyly Cao