|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Mỹ?

08:00 | 09/04/2018
Chia sẻ
Thời kỳ thập niên 1930, các chính sách thuế quan và chiến tranh thương mại (Trung Quốc và Mỹ) đã khiến Đại khủng hoảng kinh tế ngày một tồi tệ hơn và gây mất ổn định trật tự toàn cầu.
my can trung quoc hon trung quoc can my Trump tuyên bố Trung Quốc sẽ gỡ bỏ các rào cản thương mại
my can trung quoc hon trung quoc can my Trung Quốc có gì làm 'vũ khí' trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Không phải là một người dễ bị lấn át bởi đối phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đi trước trong việc khiến căng thẳng với Trung Quốc leo thang. Ông đe dọa đánh thuế 100 tỷ USD đối với hàng Trung Quốc sau khi đã muốn đánh thuế đến 50 tỷ USD với hàng Trung Quốc trước đó.

my can trung quoc hon trung quoc can my
Ảnh: Bloomberg

Khi làm vậy, thực ra chính quyền Tổng thống Trump đã không nhận ra một thực tế vô cùng quan trọng: Mỹ cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Mỹ.

Trung Quốc hiện vẫn là một nền kinh tế xuất khẩu và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Thế nhưng tỷ lệ đóng góp của xuất khẩu trong tổng quan nền kinh tế Trung Quốc đã giảm từ 37% vào năm 2007 xuống chưa đầy 20% ở thời điểm hiện tại – có thể thấy đó là một thành tích quan trọng của Trung Quốc sau một thập kỷ dài tái cân bằng nền kinh tế.

Khi mà nhu cầu nội địa tăng cao, Trung Quốc dễ ứng phó hơn với áp lực từ các biện pháp thuế quan cũng như các biện pháp khác nhằm gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Thế nhưng mọi chuyện nội tại nước Mỹ lại không đơn giản như vậy. Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc để có được nguồn hàng giá rẻ giúp cho những người tiêu dùng Mỹ thu nhập thấp vẫn có thể sống được. Mỹ cũng cần đến Trung Quốc để hỗ trợ cho chính các công ty xuất khẩu của họ. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ, đứng sau Mexico và Canada.

Và tất nhiên, Mỹ cần vay tiền từ Trung Quốc để bù đắp cho thâm hụt ngân sách nước này. Trung Quốc hiện đang là nước nắm giữ nhiều nhất trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu người Trung Quốc không tiếp tục mua trái phiếu chính phủ Mỹ, chắc chắn Mỹ sẽ gặp khó.

Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc bởi kinh tế Mỹ có điểm yếu căn bản: tỷ lệ tiết kiệm nội địa quá thấp. Vào quý IV/2017, tỷ lệ tiết kiệm ròng tại Mỹ chỉ tương đương 1,3% tổng thu nhập quốc dân.

Do tỷ lệ tiết kiệm tại nội địa thấp nhưng vẫn muốn tiêu dùng và tăng trưởng, nên Mỹ cần đến tiền tiết kiệm từ bên ngoài và phải chịu thâm hụt cán cân thanh toán và thâm hụt thương mại lớn để "nhập khẩu" nguồn vốn đó. Năm 2017, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa với 102 nước.

Tổng thống Donald Trump tiếp tục coi Trung Quốc như thủ phạm trong thảm kịch của nước Mỹ, dù trên thực tế lẽ ra ông nên tự nhìn vào gương.

Thứ nhất, ông luôn nói rằng thâm hụt thương mại Mỹ - Trung là 500 tỷ USD, cao hơn 30% so với con số thực tế 375 tỷ USD được Bộ Thương mại Mỹ công bố.

Thứ hai, số liệu từ Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cho thấy ít nhất 40% trong tổng con số mất cân bằng thương mại giữa hai nước phản ánh hiệu ứng chuỗi cung ứng, trong đó có nhiều sản phẩm được sản xuất ở nước khác nhưng cuối cùng lại được lắp ráp ở Trung Quốc. Như vậy, theo cách tính toán đó, 47% thâm hụt mà Mỹ đang phải chịu với Trung Quốc sẽ chỉ giảm xuống còn 28%.

Tất nhiên con số trên vẫn lớn. Thế nhưng nó thấp hơn rất nhiều so với tuyên bố của Tổng thống Trump và những con số chính thức của Bộ Thương mại.

Cuối cùng, thâm hụt ngân sách mà Tổng thống Trump đang tạo ra sẽ chỉ khiến cho các vấn đề thương mại của nước Mỹ trở nên tồi tệ hơn. Một nền kinh tế Mỹ với tỷ lệ tiết kiệm thấp sẽ khó xoay xở nếu không có thâm hụt thương mại.

Gói cắt giảm thuế quy mô 1,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới và thêm 300 tỷ USD chi tiêu của Quốc hội Mỹ nhằm ngăn khả năng chính phủ phải đóng cửa vào cuối năm vừa qua sẽ khiến cho tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống chỉ còn 0% hoặc thậm chí thấp hơn, thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục nới rộng.

Để ngăn chặn thảm kịch xảy ra, cần phải làm những việc sau đây:

Đối thoại: Quá trình trao đổi quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc cho đến nay dường như không được liền mạch, nó diễn ra chủ yếu thông qua Đối thoại Chiến lược và Kinh tế, Ủy ban Thương mại. Cần có một nhóm chuyên trách với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp từ hai bên, sự phức tạp của mối quan hệ này sẽ được giảm bớt.

Tiếp cận thị trường: Chính phủ cả hai nước nên ưu tiên việc phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư song phương. Đối với các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, việc tiếp cận với thị trường nội địa Trung Quốc mang đến cơ hội phát triển lớn. Và ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển ra nước ngoài.

Bản quyền trí tuệ: Vấn đề chuyển giao công nghệ: yếu tố then chốt trong cuộc chiến về bản quyền trí tuệ cần phải được giải quyết. Khi làm như vậy, cần phải phân biệt rõ ràng giữa việc chia sẻ hệ thống vận hành giữa các đối tác, sự cưỡng ép và đánh cắp công nghệ. Trong thế giới tri thức hiện nay, các yếu tố sau không thể được tha thứ.

Thời kỳ thập niên 1930, các chính sách thuế quan và chiến tranh thương mại đã khiến Đại khủng hoảng kinh tế ngày một tồi tệ hơn và gây mất ổn định trật tự toàn cầu. Thật đáng buồn, ở thời hiện đại người ta vẫn chưa học được bài học này.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Stephen Roach, giảng viên tại Đại học Yale và nguyên Chủ tịch của Morgan Stanley Asia. Ông là tác giả của cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China. (tạm dịch: Mất cân bằng: Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc)

Trung Mến