Mùi hương là vũ khí lợi hại của người bán hàng
“Trường của tôi nằm đối diện với một tiệm bánh bên kia đường. Hàng ngày, chủ tiệm luôn hướng những quạt lớn về phía trường khiến lũ học sinh chúng tôi có thể ngửi thấy mùi bánh rán hay bánh ngọt từ tiệm. Sau đó, chúng tôi nài nỉ cha, mẹ mua bánh khi tan trường. Mùi hương của bánh có sức lôi cuốn mạnh hơn tờ rơi, biển quảng cáo”, một người tiêu dùng kể với INC về thời thơ ấu.
Tiếp thị bằng mùi hương là vũ khí lợi hại để người bán hàng thu hút và giữ khách hàng. Ảnh: marketing4food.com |
Hiệu quả của mùi hương là lý do khiến tiếp thị bằng mùi hương trở thành lĩnh vực kinh doanh có trị giá hàng tỷ USD mỗi năm và ảnh hưởng tới nhiều ngành khác.
Khái niệm tiếp thị mùi hương
Ngành bán lẻ cần quan tâm tới nhiều yếu tố khi thiết kế không gian hợp lý, phù hợp với hàng hóa và dịch vụ mà họ bán. Vị trí, họa tiết, đồng phục nhân viên, ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh và mùi hương là những yếu tố sẽ kết hợp với nhau để tạo nên một trải nghiệm toàn diện đối với thương hiệu. Chúng ta hãy xem cách tạo không gian bán hàng của một số thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Starbuck
Các họa tiết bằng gỗ và có màu xanh thẫm, thực đơn màu đen, các bản nhạc êm dịu, mùi thơm của cà phê ngập tràn mỗi cửa hàng. Starbucks cũng bán thức ăn, nhưng bạn sẽ không ngửi thấy mùi của chúng, bởi đó là chủ ý của hãng.
Cineplex
Chúng ta hãy tưởng tượng cảm giác của khán giả khi bước vào một không gian chiếu phim “thấm đẫm” mùi bỏng ngô. Đương nhiên Cineplex cũng bán bánh pizza và nhiều thực phẩm khác, song thương hiệu nổi tiếng vì mùi hương của họ là bỏng ngô. Khán giả cũng sẽ thấy và nghe về quy trình làm bỏng ngô từ những video trên màn hình trước khi phim được chiếu, một yếu tố khiến mùi hương trở nên quyến rũ hơn.
Lowe’s
Nếu bước vào một trong những cửa hàng có ánh sáng mạnh của Lowe’s, bạn sẽ ngửi thấy mùi thơm của gỗ mới. Bạn không bao giờ thấy một tấm gỗ mới nào trong cửa hàng, song bằng cách nào đó mùi hương vẫn phảng phất. Nó truyền cảm hứng để bạn tân trang ngôi nhà và tự thiết kế đồ nội thất.
Sự kết hợp của các yếu tố thị giác, xúc giác và các yếu tố vô hình trong không gian bán lẻ rất quan trọng bởi chúng có thể tác động tới hành vi của người tiêu dùng, bao gồm ý định mua hàng hay dịch vụ.
Tiếp thị bằng mùi hương là khoa học
Não chúng ta rất “nhạy” với mùi. Một người trưởng thành có thể phân biệt 10.000 mùi và cơ thể chúng ta thay thế toàn bộ tế bào khứu giác vài tuần mỗi lần để bảo đảm chúng hoạt động hiệu quả. Trong khi những giác quan còn lại phải được xử lý trước khi tới các vùng của não, mùi có thể xâm nhập các vùng não ngay lập tức.
Có lẽ bạn từng nghe ai đó nói mùi là giác quan có mối quan hệ mật thiết nhất đối với ký ức. Khi bạn hít sâu tách cà phê buổi sáng, mùi của từng hạt cà phê mới rang sẽ thấm sâu vào từng vùng não xử lý cảm xúc và trí nhớ. Đó là lý do mùi có thể khơi gợi một ký ức vui nhanh hơn so với chạm vào tách cà phê hay nhấp ngụm cà phê đầu tiên.
Các nhà khoa học đưa ra một số lý do về việc cơ thể xử lý mùi khác với những giác quan còn lại. Từ săn bắn, hái lượm tới tìm bạn tình khỏe mạnh, việc liên kết mùi hương với ký ức để thúc đẩy sự khao khát, hạnh phúc hay thậm chí sợ hãi là yếu tố rất hữu ích về mặt sinh học đối với con người.
Con người cần xem xét một yếu tố khi sử dụng mùi: Bối cảnh rất quan trọng. Các thử nghiệm cho thấy mặc dù mùi rất quan trọng đối với bộ não động vật, thị giác cực nhạy của chúng ta có thể tác động trực tiếp tới phản ứng của chúng ta đối với mùi.
Để hiểu tầm quan trọng của bối cảnh đối với tiếp thị mùi hương, một số nhà nghiên cứu đặt giả thuyết rằng gán cho một mùi là “xấu” hay “tốt” cũng quan trọng như mùi. Trong một thử nghiệm, các nhà khoa học yêu cầu những người tham gia ngửi mùi pho mát. Những người biết đó là mùi pho mát tỏ ra thích thú. Sau đó, nhóm nghiên cứu nói với một số người khác rằng thứ mà họ ngửi là mùi của chất thải (thực ra vẫn là mùi bơ). Ngay sau khi biết thông tin ấy, họ tỏ thái độ kinh tởm. Vì thế, nhóm nghiên cứu kết luận: Cảm xúc của con người có thể chuyển từ trạng thái tích cực sang tiêu cực theo tên của đối tượng mà họ ngửi mùi.