|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một thập kỷ khủng hoảng đã châm ngòi đảo chính ở Zimbabwe như thế nào?

13:57 | 16/11/2017
Chia sẻ
Zimbabwe chính thức rơi vào khủng hoảng toàn diện sau khi quân đội tiến hành đảo chính, bắt giữ Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân. Với tỷ lệ lạm phát lên đến 50% mỗi tháng và tình trạng thiếu hụt USD, sự bất ổn kinh tế là nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính tại nước này.
mot thap ky khung hoang da cham ngoi dao chinh o zimbabwe nhu the nao
Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài một ngân hàng tại Zimbabwe. Nguồn: P. Bulawayo/Reuters.

Khi quân đội tiến hành đảo chính vào ngày 15/11, người dân Zimbabwe bắt đầu rồng rắn xếp những hàng dài bên ngoài ngân hàng để rút lượng tiền mặt ít ỏi còn lại. Nhưng đây không phải lần đầu tiên họ gặp phải tình cảnh này. Cách Tổng thống Robert Mugabe điều hành nền kinh tế từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi tại Zimbabwe. Nhiều người lo ngại tình trạng thiếu hụt USD sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn và có thể gây ra một cuộc sụp đổ tương tự như năm 2007.

Các dấu hiệu cảnh báo một cuộc khủng hoảng luôn hiện diện tại Zimbabwe với tỷ lệ lạm phát phi mã 50% mỗi tháng và hàng hóa nhập khẩu thiếu hụt trầm trọng.

Trong những năm qua, nền kinh tế thoi thóp của nước này luôn đứng trên bờ vực sụp đổ. Ông Emmerson Mnangagwa, cựu phó tổng thống vừa bị ông Mugabe truất quyền vào tuần trước, khi còn tại vị đã đề ra kế hoạch phục hưng nền kinh tế bằng cách kêu gọi hàng nghìn nông dân da trắng từng bị đuổi khỏi đất của họ 20 năm trước quay trở lại, đồng thời cải thiện quan hệ với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Khủng hoảng tiền tệ

Đối với người dân Zimbabwe, ký ức về cuộc khủng hoảng kinh tế trong giai đoạn 2007 – 2008 vẫn còn mới như vừa hôm qua, khi đó tỷ lệ thất nghiệp tại nước này lên đến 94%.

Đến năm 2009, quốc gia này mới ghi nhận giai đoạn tăng trưởng ngắn ngủi lần đầu tiên trong một thập kỷ. Tháng 10/2015, đồng dollar Zimbabwe chính thức bị khai tử và được thay thế bằng các ngoại tệ mạnh khác, chủ yếu là USD bên cạnh bảng Anh, rand Nam Phi, euro và nhân dân tệ.

Bloomberg cho biết giá bitcoin tăng mạnh 10% trên sàn giao dịch Golix của Zimbabwe vào ngày 15/11. Cụ thể, giá đồng tiền ảo này đã tăng vọt lên 13.499 USD, gần gấp đôi giá giao dịch tại các thị trường quốc tế.

Tháng 9/2016, nền kinh tế Zimbabwe tiếp tục gặp khó khăn và ông Patrick Chinamasa, bộ trưởng tài chính khi đó, đã nhận định “sản xuất cầm chừng, thâm hụt thương mại nghiêm trọng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp và khó tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế do những món nợ khổng lồ” là những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ.

Chính phủ đã nỗ lực xoa dịu tình trạng thiếu hụt tiền mặt bằng cách phát hành tiền trái phiếu mệnh giá 2 USD vào tháng 11/2016.

Cuộc đại di cư

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Zimbabwe đã kích hoạt làn sóng di cư khỏi quốc gia này và khơi mào một cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), khoảng 1/4 trong tổng số 16,15 triệu dân nước này bị đe dọa bởi tình trạng thiếu lương thực.

Nạn đói và những cuộc đàn áp của chính phủ đã buộc nhiều người tháo chạy đến London để tị nạn, dù nguy cơ bị trục xuất vẫn treo lơ lửng trên đầu 11 nghìn người đã đến thủ đô nước Anh vào năm ngoái. Trong khi đó, nhiều người khác đi tìm cơ hội ở nước Đức với thống kê cho thấy 226 người đã nộp hồ sơ xin tị nạn tại nước này vào năm ngoái.

Tuy nhiên, phần lớn người tị nạn vẫn quyết định ở lại châu Phi, tại các quốc gia láng giềng của Zimbabwe như Nam Phi, Botswana và Mozambique.

mot thap ky khung hoang da cham ngoi dao chinh o zimbabwe nhu the nao Quân đội Zimbabwe giam giữ tổng thống, phu nhân và kiểm soát thủ đô

Quân đội Zimbabwe cho biết đã giam giữ Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân đồng thời bảo vệ các văn phòng chính phủ cũng ...

Trường Giang