|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một năm Đinh Dậu đáng nhớ của những banker tuổi Dậu

13:30 | 15/02/2018
Chia sẻ
Đều là hai banker tuổi Dậu, sinh năm 1969, ông Nghiêm Xuân Thành và Nguyễn Văn Tuấn, một năm qua đều có những dấu mốc gắn liền với hai ngân hàng Vietcombank và CBBank.

Chủ tịch trẻ tuổi của Vietcombank - Nghiêm Xuân Thành

Sinh năm 1969, ông Nghiêm Xuân Thành, một banker tuổi Dậu và là một trong những vị chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất. Trước khi giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), ông Thành đã có 20 năm gắn bó với Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank).

2017 là năm thứ ba Vietcombank hoạt động dưới trướng ông Thành, một năm với nhiều câu chuyện để kể.

mot nam dinh dau dang nho doi voi nhung banker tuoi dau
Chủ tịch trẻ tuổi của Vietcombank - Nghiêm Xuân Thành sinh năm 1969 (tuổi Kỷ Dậu).

Đưa VCB hiện hữu trên bản đồ quốc tế

Năm 2017, Vietcombank ghi tên mình trên bản đồ thế giới khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận thành lập Ngân hàng 100% vốn tại Lào. Trên thực tế, bước đi của Vietcombank khá chậm so với các ngân hàng cùng quy mô khác như BIDV, Vietinbank hay MBBank đã đặt chân tới hai thị trường Lào và Campuchia từ trước. Tuy nhiên, số vốn mà Vietcombank đầu tư vào ngân hàng nước ngoài khá lớn so với con số vốn đầu tư hiện tại của Vietinbank Lào (50 triệu USD), MBBank Lào (50 triệu USD), Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt mà BIDV nắm 65% vốn điều lệ (100 triệu USD).

Bên cạnh thị trường Lào, Vietcombank cũng đưa ra một quyết định bản lĩnh khi quyết định đặt chân lên thị trường Mỹ - thị trường ngân hàng vốn được biết đến không dễ dàng để cạnh tranh. Năm 2017, NHNN có văn bản cho phép Vietcombank thành lập Văn phòng đại diện tại thành phố New York, Mỹ.

Lợi nhuận kỷ lục ngành ngân hàng cùng khối tài sản vượt ngàn tỷ đồng

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Vietcombank đạt con số 1.035 tỷ đồng, tăng tới hơn 30%, vượt con số 1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2017. Trong năm qua, danh mục cho vay của Vietcombank với trọng tâm tăng dư nợ mảng bán lẻ.

Lợi nhuận trước thuế đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, đây con số lợi nhuận kỷ lục của ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay. Vị chủ tịch trẻ tuổi này nhìn nhận: "Năm 2017 đánh dấu sự khởi sắc ấn tượng nhất của Vietcombank trong nhiều năm trở lại đây khi đạt mức lợi nhuận cao nhất hệ thống các tổ chức tín dụng".

Bên cạnh đó trong năm qua, để tuân theo quy định về Thông tư 36/2014/TT-NHNN về sở hữu chéo, Vietcombank cũng đã chia tay loạt ngân hàng và công ty tài chính.

Ngoài ra, Vietcombank thực hiện thoái vốn tại 3 tổ chức tín dụng, bao gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank); Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Công ty Tài Chính Cổ phần Xi Măng (CFC).

Một năm với kết quả nhìn thấy được của vị Chủ tịch Nguyễn Văn Tuân cùng công trình "đập đi xây lại"

Từ "đống đổ nát" của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank), cái tên Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) xuất hiện và được Ngân hàng Nhà nước mua lại 100% vốn vào năm 2015.

Sau vụ việc này, cũng vào 2015, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank - ông Nguyễn Văn Tuân được điều động sang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành Viên của CBBank nhằm mục đích vực dậy ngân hàng từ con số 0 này. Trước đó vị chủ tịch tuổi dậu này đã có kinh nghiệm khá dày dạn 7 năm với chiếc ghế Phó Tổng Giám đốc Vietcombank.

mot nam dinh dau dang nho doi voi nhung banker tuoi dau
Chủ tịch HĐTV Ngân hàng CBBank - Nguyễn Văn Tuân sinh năm 1969 (tuổi Kỷ Dậu).

2017 vừa qua đánh dấu ba năm hành trình xây dựng lại CBBank của vị Chủ tịch Nguyễn Văn Tuân. Dưới sự giúp đỡ của NHNN và dẫn dắt của vị chủ tịch tuổi dậu này, sau ba năm chuyển đổi mô hình hoạt động, trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng và phải đối mặt với những khó khăn, CBBank đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Đối với một ngân hàng bắt đầu lại từ con số 0, công tác thu hồi nợ được xem là hạt nhân của tiến trình tái cơ cấu.

Tính đến cuối 2017, CBBank đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nhóm nợ riêng lẻ đã thu hồi được trên 500 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nợ xấu riêng lẻ); nợ nhóm lớn đã thu hồi hơn 4.700 tỷ đồng. Có thể nói, đây là công tác đặc biệt quan trọng do đặc thù nợ liên quan đến các vụ án, phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của các cấp có thẩm quyền.

Năm Định Dậu vừa qua có thể chưa nhìn thấy nhiều kết quả đối với CBBank dưới trướng "tướng" banker Tuân. Bởi quá trình khôi phục bộ máy và hồi sinh cho một ngân hàng "0 đồng" cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian.

Một năm Đinh Dậu trôi qua với hai banker tuổi Dậu, gắn với hai ngân hàng ở vị thế khác nhau: một ở vị thế hoàng kim, một ở vị trí con số 0 tròn trĩnh. Đây hẳn là một năm tuổi đáng nhớ đối với cả hai banker Kỷ Dậu.

Tuệ An