Mối quan hệ tay ba giữa ông Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và 16 đồng phạm về 3 tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra tại OceanBank và các đơn vị liên quan.
Đối với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD", tài liệu điều tra công bố, ông Hà Văn Thắm đã cho Công ty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung (Công ty Trung Dung) vay 500 tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo, dẫn tới mất khả năng thu hồi. Công ty Trung Dung do ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB) làm chủ tịch HĐQT.
Nguồn cơn khoản vay 500 tỷ này xuất phát từ việc trước đó ông Thắm có thỏa thuận với bà Hứa Thị Phấn về việc mua lại cổ phần của bà này tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), nhưng không thực hiện được.
Chính vì vậy, theo liệu điều tra, ông Hà Văn Thắm đã gây sức ép cho bà Hứa Thị Phấn (đại diện cho nhóm cổ đông TrustBank) để bán lại cho ông Phạm Công Danh số cổ phần tương đương 84,92% vốn điều lệ với tổng giá trị hơn 4.600 tỷ đồng. Tài liệu điều tra thể hiện, ông Danh cam kết trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng công môi giới thương vụ này.
Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín từ bà Phấn, ông Phạm Công Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng nhưng không thanh toán số tiền trên cho bà Phấn và ông Thắm như cam kết.
Lúc này, thương vụ mua bán này tiếp tục rơi vào thế kẹt vì bà Phấn có nhiều khoản nợ xấu chưa tất toán tại TrustBank, nếu không được tất toán thì có thể ngân hàng này sẽ bị tái cơ cấu theo chủ trương của NHNN, và thỏa thuận tay ba này có nguy cơ đổ vỡ.
Để giải quyết, ông Thắm đã quyết định cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp tài sản của bà Phấn.
Do đó, số tiền 500 tỷ đồng của OceanBank cho công ty Trung Dung vay, thực chất là ông Thắm cho ông Danh vay để tất toán các khoản nợ xấu của bà Phấn tại TrustBank, và đồng thời được ghi nhận vào khoản thanh toán của ông Danh cho bà Phấn theo thỏa thuận.
Theo tài liệu điều tra, Công ty Trung Dung trên danh nghĩa do ông Trần Văn Bình làm Tổng giám đốc với vốn góp 250 tỷ đồng nhưng thực tế là công ty của ông Phạm Công Danh. Ông Danh đã mượn tên ông Bình (chỉ là người lái xe cho mình) đứng tên công ty và phần vốn góp trong giấy đăng kí kinh doanh.
Ngày 23/11/2012, theo sự chỉ đạo của ông Thắm, ông Bình đã kí Hợp đồng tín dụng số trung và dài hạn với OceanBank để vay 500 tỷ với mục đích thể hiện trên hợp đồng là vay bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại Sân Vận động Chi Lăng – TP Đà Nẵng.
Tài sản đảm bảo bao gồm: phần vốn góp 250 tỷ đồng của ông Bình tương đương 100% vốn điều lệ công ty Trung Dung; quyền phát sinh từ hai hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở lô đất có tổng giá trị khoảng 56 tỷ đồng tại dự án khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) và giá trị gần 5,9 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG (tổng giá trị hơn 176 tỷ đồng đồng) của bà Hứa Thị Phấn.
Cũng trong ngày hôm đó, Oceanbank đã giải ngân 500 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty Trung Dung. Ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo tất toán và chuyển số tiền trên cộng với lãi nhằm thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Hứa Thị Phấn.
Theo tài liệu điều tra, ông Hà Văn Thắm khai nhận: Tổng giá trị của số tài sản để đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung là hơn 482,5 tỷ đồng. Đến nay, số tiền này không có khả năng thu hồi.
Trước đó, trong phiên sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh, ông Danh khai rằng thực tế đã trả cho ông Thắm 500 tỷ đồng tiền môi giới và “có giấy tờ biên nhận”.
Cụ thể, ông Danh khai: "Thực tế bây giờ bảo tôi nhớ thì tôi không thể nhớ và tính toán được. Đến khi tôi vào tiếp quản thì tôi phải trả tiền cho nhóm anh Thắm. Ông Thắm đòi 1.000 tỷ, sau đó là 800 tỷ, cuối cùng là 500 tỷ. Khoản này ông Thắm giải thích là chi chăm sóc khách hàng".
Cũng theo hồ sơ vụ án Phạm Công Danh, bà Phấn từng khai với cơ quan điều tra rằng đã giao toàn bộ số cổ phần bản chính hơn 84% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín mà bà và các cổ đông nhóm Phú Mỹ (các cá nhân và công ty) đang sở hữu cho ông Hà Văn Thắm.
Trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái…” đối với bà Hứa Thị Phấn để điều các hành vi nâng khống giá trị các tài sản thế chấp vay để rút tiền của TrustBank. HĐXX cũng đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an làm rõ vai trò của ông Hà Văn Thắm trong thương vụ mua đi bán lại ngân hàng này.