Mối quan hệ giữa SCIC với 'Siêu ủy ban' quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
'Siêu Ủy ban' quản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gọn hơn đề xuất | |
Những tập đoàn, công ty Nhà nước nào sẽ tập trung về ‘siêu ủy ban’? |
Tại Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hộ về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, Chính phủ đề cập đến mối quan hệ giữa SCIC với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Chính phủ, việc hình thành Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá theo đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
SCIC do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập từ năm 2005, có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là: tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước; tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp tiếp nhận; đầu tư vốn vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ hoạt động trong ngành, lĩnh vực Nhà nước giữ cổ phần chi phối hoặc ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật; đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ hco hay, hoạt động của SCIC trong thời gian qua đã góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển từ quản lý hành chính sang kinh doanh vốn. Hoạt động đầu tư vốn và thoái vốn nhà nước của SCIC bước đầu đạt kết quả tích cực. Bước đầu góp phần thực hiện chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chuyển giao cho SCIC quản lý vốn nhà nước tại những doanh nghiệp có tính chuyên ngành cao về kinh tế - kỹ thuật; doanh nghiệp có gắn kết mật thiết với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, chính trị của địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn, doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai cần được tiếp tục nghiên cứu.
Theo Đề án thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (được biết đến là Siêu ủy ban) và dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban thì Ủy ban là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại SCIC; 20 các TĐ, TCT có vốn nhà nước; các doanh nghiệp khác thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các đơn vị này không bao gồm các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, các doanh nghiệp doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc UBND thành phố Hà Nội và HCM (quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý theo phương án đã được phê duyệt), các công ty xổ số kiến thiết, các doanh nghiệp đặc thù thuộc lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, DATC và các doanh nghiệp thuộc ngân hàng nhà nước quản lý (gồm các ngân hàng thương mại, nhà máy in tiền quốc gia, ngân hàng hợp tác xã...).
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 21 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (trong đó có SCIC) thay cho các Bộ, ngành và Bộ Tài chính.
SCIC là doanh nghiệp do đó vẫn hoạt động theo quy định của Chính phủ: tiếp tục tiếp nhận quản lý vốn nhà nước tại các DNNN còn lại (không thuộc danh mục tiếp nhận của Ủy ban) và các CTCP từ cổ phần hóa DNNN, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty cổ phần có vốn nhà nước nhưng thuộc danh mục, lĩnh vực nhà nước không cần chiếm chi phối (dưới 51% vốn điều lệ). Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì xây dựng nghị định về quy định về tổ chức, điều lệ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
20 các TĐ, TCT có vốn nhà nước gồm Tập đoàn Xăng dầu VN, Tập đoàn Hóa chất VN, Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn công nghiệp cao su VN, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản VN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN, Tổng công ty Viễn thông VTC, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá VN, Tổng công ty Hàng không VN, Tổng công ty Hàng hải VN, Tổng công ty Đường sắt VN, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê VN, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp VN. |