Mỗi ngày, Việt Nam chi gần 60 tỷ đồng nhập rau quả từ Trung Quốc, Thái Lan
Thống kê trên vừa được Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) công bố, theo đó chỉ trong nửa tháng 3, số chi cho nhập khẩu rau củ quả đã vượt ngưỡng các hàng hóa nhập khẩu thông thường, trở thành các loại hàng hóa có kim ngạch nhập khẩu cao trong nhóm nông sản.
Cụ thể, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3, số chi nhập khẩu hoa quả đã đạt trung bình 2 triệu USD/ngày (tương đương khoảng 47 triệu đồng). Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước chi hơn 194 triệu USD nhập rau quả (khoảng hơn 4.400 tỷ đồng), tương đương khoảng 59 tỷ đồng/ngày.
Sau rau quả Trung Quốc, đến lượt rau quả Thái Lan tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam từ các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống (ảnh minh hoạ) |
Con số nhập khẩu rau quả đã tăng khá nhanh trong những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 3 năm nay đã hơn 7 triệu USD so với cùng kỳ các năm 2016, tăng hơn 15 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015 và hơn 17 triệu USD so với năm 2014. Gia tăng kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam đạt từ 20% đến hơn 50% so cùng kỳ các năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 trong số mặt hàng rau củ quả Việt Nam nhập khẩu, nhiều nhất là rau củ quả từ Thái Lan, tiếp đến là Trung Quốc, sau đó đến các thị trường khác như Úc và New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật… Riêng thị trường Thái Lan, rau quả của nước này nhập vào chiếm hơn 45% thị trường rau quả nhập khẩu, rau quả Trung Quốc chiếm hơn 25% và rau quả Úc và New Zealand, Nhật, Hàn chiếm từ 3- 8% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Từ năm 2010, xu hướng nhập rau củ quả ngoại về Việt Nam đã xuất hiện, nhưng khi đó mới chỉ có rau quả Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt, tiếp đó là hoa quả Thái Lan. Đến năm 2014 - 2015, khi chính sách thuế đối với hàng nông sản nhập khẩu được Việt Nam bãi bỏ theo các điều khoản của Hiệp định tự do thương mại song và đa phương như FTA Việt Nam với Hàn Quốc, FTA ASEAN với các nước Úc và New Zealand, rau củ quả ngoại vào Việt Nam nhiều hơn, đa dạng hơn.
Khác với rau củ quả Trung Quốc thường đổ bộ các chợ đầu mối, bán thương lái tại các chợ lẻ. Rau quả các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Úc và New Zealand có kế hoạch xâm nhập vào các đại siêu thị, siêu thị hay mô hình cửa hàng chuyên doanh hoa quả ngoại. Điều này không chỉ tạo nên nét khu biệt giữa chất lượng, thương hiệu mà cách làm này đã tăng sự nhận diện thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của hoa quả ngoại ngay tại thị trường Việt Nam.
Điều đáng nói, hầu hết các loại hoa quả của Thái Lan đều cùng chủng loại và cạnh tranh trực diện với hoa quả Việt tại thị trường trong nước như xoài, chôm chôm, sầu riêng, dừa, nho hay cam... Ngoài ra, thị trường hoa quả nhập ngoại mở rộng cũng là cơ hội cho người tiêu dùng Việt có cơ hội sử dụng các loại đặc sản của các nước như quả kiwi, cherry (Úc), táo (Mỹ), lê (Hàn Quốc) hay nho xanh (Nhật Bản)… với mức giá rất đắt nhưng lượng người mua vẫn lớn.
Bên cạnh những tác động tích cực giúp đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng, tăng cạnh tranh chất lượng, mẫu mã với rau quả trong nước. Nhập khẩu hàng loạt rau quả nước ngoài vào Việt Nam khi mà trong nước có sản phẩm tương tự, cho thấy sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang bí đầu ra.
Minh chứng là mỗi năm, Việt Nam vẫn nhập hàng nghìn tấn rau bắp cải, bí đỏ, khoai tây, hành tỏi từ Trung Quốc về phục vụ tiêu dùng tại đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều loại táo, lê, đào, mận của Trung Quốc thường xuyên xuất hiện từ chợ truyền thống đến quán vỉa hè đến những gánh hàng rong.
Trong khi đó, nhiều loại nông sản thời vụ của Việt Nam dù chất lượng ngon như vải, thanh long, gần đây là chuối nhưng mất đầu ra, sản xuất vượt quy hoạch cung ứng khiến giá bán rẻ mạt, thậm chí nhiều nơi đã phải đổ bỏ hoặc cho bò ăn.