|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Môi giới Việt trước sức ép đến từ khối ngoại

16:23 | 20/07/2017
Chia sẻ
Với việc ERA Real Estate (Mỹ) vừa gia nhập thị trường môi giới Việt Nam với một lực lượng hùng hậu, được đào tạo cơ bản, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với môi giới nội địa.

Chuyên nghiệp chưa chắc thắng

Chưa biết thực hư có đúng như ERA Việt Nam công bố, nhưng với việc thêm một thương hiệu môi giới bất động sản ngoại đặt chân vào Việt Nam, yêu cầu chuyên nghiệp hóa lực lượng môi giới nội đã thực sự trở thành yếu tố cốt tử để ngành môi giới Việt không bị thua ngay trên sân nhà.

Đây không phải là lần đầu có một doanh nghiệp môi giới ngoại tham gia thị trường Việt Nam. Có lẽ, nhiều người vẫn nhớ, cả Savills và CBRE trước khi “chuyển tông” sang lĩnh vực phân tích thị trường, tư vấn đầu tư, đều đã là những doanh nghiệp tiên phong, mang làn gió mới về hoạt động môi giới chuyên nghiệp vào Việt Nam.

Một chuyên gia bất động sản nhận định, Savills và CBRE đều là những thương hiệu lớn, họ đã đào tạo nên một thế hệ nhiều nhà môi giới giỏi, chuyên nghiệp, tuy nhiên, họ vẫn không thành công, vì không thấu hiểu được văn hóa tiêu dùng của Việt Nam.

Bài học cũ có thể vẫn đúng với trường hợp mới: Chuyên nghiệp, trình độ quốc tế vẫn có thể thất bại như thường. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành môi giới Việt được chủ quan và chậm tiến.

Không bắt nhịp rất dễ thua

Trong khi ở nước ta hiện nay, các nhà môi giới vẫn chủ yếu đóng vai “ông tơ, bà nguyệt” dắt mối cho chủ đầu tư và khách mua hàng gặp nhau để nhận hoa hồng, thì ở các nước có nghề môi giới phát triển, các nhà môi giới nắm giữ vai trò quan trọng hơn nhiều, từ định giá sản phẩm, lo các vấn đề về pháp lý, dịch vụ liên quan đến hoạt động mua bán.

moi gioi viet truoc suc ep den tu khoi ngoai
Các môi giới viên đang tư vấn cho khách hàng tại Vietreal Expo 2017. Ảnh: Nguyễn Thành

Cũng chính ở sự khác biệt này mà trong khi ở nhiều nước, môi giới bất động sản là một nghề danh giá, thì ở Việt Nam, môi giới bất động sản vẫn thường bị gọi tên và đánh đồng làm một với… cò đất, cò nhà.

Chỉ riêng chuyện chứng chỉ nghề, đến nay, theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ nhà môi giới được cấp chứng chỉ nghề còn rất hạn chế. Nếu mỗi tháng Hội Môi giới bất động sản duy trì triển khai được 1 khóa đào tạo cho khoảng 200 học viên, thì cao nhất cả năm cũng chỉ cấp được khoảng 2.400 chứng chỉ. Con số này chiếm một tỷ lệ quá nhỏ trong số gần 200.000 nhà môi giới tại Việt Nam hiện nay.

Áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn

Không chỉ các doanh nghiệp môi giới lớn, giàu kinh nghiệm từ bên kia bờ Thái Bình Dương tìm đến Việt Nam, mà cả những nước láng giềng cũng đang ngấp nghé, chuẩn bị tham gia chia lại chiếc bánh thị trường.

“Cách đây ít lâu, khi chúng tôi sang Thái Lan, cả đoàn đã ngã ngửa khi nghe các bản báo cáo cực kỳ chi tiết của đơn vị môi giới nước bạn về thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này cho thấy, việc các công ty môi giới trong khu vực ASEAN vào Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian.

Với trình độ, kỹ năng và những nét tương đồng nhất định về văn hóa, rất có thể, đây chính là những đối thủ khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.

Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi khối kinh tế chung ASEAN (AEC) được hình thành, việc các nhà môi giới trong khối “xê dịch” từ nước nọ qua nước kia cũng sẽ là xu hướng tất yếu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (HNREA) cho biết, việc có các doanh nghiệp môi giới ngoại tham gia thị trường sẽ tạo ra những áp lực nhất định cho các công ty môi giới trong nước.

Tuy nhiên, nó cũng mang lại những tác động tích cực khi buộc các nhà môi giới, các công ty môi giới phải nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của công việc.

Đức Thành