|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

MIE nhanh chân “lách” cơ chế lên sàn?

09:54 | 19/11/2016
Chia sẻ
Ngày 21/11 tới đây, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE) sẽ thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Dù IPO sau ngày 1/11, điều thú vị là MIE chưa phải thực hiện cơ chế gắn đấu giá với đăng ký giao dịch cổ phần trên sàn UPCoM, vốn được coi là “thuốc đặc trị” với doanh nghiệp “né” niêm yết hoặc giao dịch tập trung (UPCoM).
mie nhanh chan lach co che len san

Đợt IPO của MIE có quy mô hơn 1.400 tỷ đồng khi theo phương án cổ phần hoá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty mẹ -Tổng công ty sẽ bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.

Trong đó, số cổ phần sắp IPO là 140,83 triệu cổ phần, tương đương 99,18% vốn điều lệ, được bán với giá khởi điểm 10.020 đồng/cổ phần (1,16 triệu cổ phần còn lại tương đương 0,82% vốn điều lệ được bán ưu đãi cho người lao động). Vốn điều lệ dự kiến của Tổng công ty sau cổ phần hóa là 1.419,915 tỷ đồng.

Theo quy định tại Thông tư số 115/2016/TT-BTC (hiệu lực từ ngày 1/11/2016) do Bộ Tài Chính ban hành, hoạt động đấu giá doanh nghiệp nhà nước tại sở giao dịch chứng khoán sẽ đồng thời gắn với đăng ký giao dịch cổ phần trên sàn chứng khoán, tức chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Mặc dù vậy, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, với trường hợp của MIE, Tổng công ty đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với HNX trước thời điểm Thông tư 115 có hiệu lực thi hành nên MIE sẽ thực hiện việc đăng ký bán đấu giá cổ phần theo quy định tại Thông tư cũ (Thông tư 196/2011/TT-BTC) và không phải “tự động” lên UPCoM theo cơ chế mới.

Như vậy, các nhà đầu tư dự định mua cổ phần của MIE sẽ phải xem xét lại quyết định đầu tư, bên cạnh việc theo dõi những yếu tố nội tại của doanh nghiệp này.

Gặp khó với ngành cơ khí

Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp được thành lập từ năm 1990, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo sản phẩm cơ khí, lắp đặt máy móc thiết bị và kinh doanh thương mại.

Ban đầu, MIE chuyên chế tạo, cung cấp thiết bị máy công cụ, dụng cụ công nghiệp, dụng cụ y tế, bơm công nghiệp và bơm dân dụng, đá mài công nghiệp,… Hiện tại, danh mục sản phẩm của Công ty đa dạng hơn khi doanh nghiệp này tham gia chế tạo, lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng, kết cấu thép phức tạp cho các ngành công nghiệp xi măng, thủy điện, hóa chất, thực phẩm...

Về kết quả kinh doanh, những năm gần đây, doanh thu MIE đã có cải thiện, nhưng hiệu quả hoạt động không mấy hấp dẫn. Trong 3 năm gần nhất (2013 - 2015), doanh thu hợp nhất MIE tăng dần từ 826,5 tỷ đồng lên 835,7 tỷ đồng năm 2014 và đạt 1.097,1 tỷ đồng vào năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ là những con số “lẻ”, đạt lần lượt 5,7 tỷ đồng; 13,87 tỷ đồng và 81 triệu đồng.

Tương tự, doanh thu công ty mẹ đạt 318,9 tỷ đồng năm 2013; 317,2 tỷ đồng năm 2014 và 515,5 năm 2015 với lợi nhuận tương ứng 326 triệu đồng; 21,1 tỷ đồng và 1,9 tỷ đồng. Riêng năm 2014, khoản lãi đột biến của Công ty mẹ chủ yếu nhờ tiền bồi thường di dời của Công ty Cơ khí Hà nội, không phải lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo công bố của MIE, giai đoạn 2012 - 2014, Tổng công ty cũng như các doanh nghiệp cơ khí nội địa khác gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2009.

Cũng vì hậu quả thua lỗ từ giai đoạn trước, tính đến 30/6/2016, Tổng công ty còn lỗ lũy kế 6,4 tỷ đồng, dù 6 tháng đầu năm 2016, MIE lãi hơn 2,5 tỷ đồng.

Kỳ vọng “lột xác”

Mục tiêu sau cổ phần hóa, MIE phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân 8,45%/năm, tăng trưởng doanh thu sản xuất công nghiệp 8,5%/năm.

Về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, MIE đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.268,6 tỷ đồng, tăng lên 1.493,9 tỷ đồng năm 2017 và đạt khoảng 1.717 tỷ đồng năm 2018. Lợi nhuận sau thuế các năm đạt lần lượt 53,3 tỷ đồng, 68.8 tỷ đồng và 95,8 tỷ đồng.

Doanh thu công ty mẹ tăng từ 558,6 tỷ đồng năm 2016 lên 642,4 tỷ đồng năm 2017 và 738,8 năm 2018, với lợi nhuận sau thuế tương ứng là 24,6 tỷ đồng, 28,3 tỷ đồng và 38,9 tỷ đồng.

Trở lại với đợt IPO sắp diễn ra, một chi tiết đáng chú ý trong lần chào bán cổ phần của MIE là việc doanh nghiệp này chào bán đến 99% vốn ra bên ngoài. Quyết định này được đưa ra bởi trong quá trình lập phương án cổ phần hóa, MIE và đơn vị tư vấn đã không thể tìm được nhà đầu tư chiến lược cho Tổng công ty.

Lý giải nguyên nhân, MIE cho biết, đặc thù ngành cơ khí kém hấp dẫn (vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp), hơn nữa nhà đầu tư chỉ quan tâm đến một lĩnh vực hoạt động cụ thể của từng đơn vị thuộc Tổng công ty, trong khi Tổng công ty cổ phần hóa đồng thời cả công ty mẹ và 4 công ty con nên không thể tìm được nhà đầu tư chiến lược.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyễn Gia

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.