MES Academy - Chuyện của nhóm người mê tạo giá trị cộng đồng (Kỳ 1)
Đang có công việc ổn định ở một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, đồng thời làm gia sư luyện thi IELTS tại một trung tâm tiếng Anh nổi tiếng tại Hà Nội, Thu Hương quyết định bỏ việc lên “núi” vào một ngày tháng 2/2017, gia nhập một nhóm bạn tự học tiếng Anh để từ đó đặt nền móng cho bước đầu khởi nghiệp.
Sau đó vài tháng, Hà My – cô gái tốt nghiệp ngành báo chí truyền thông, trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn đang làm việc trong ngành Sáng tạo cũng từ bỏ công việc có mức lương "nghìn đô" để gia nhập vào nhóm sáng lập trại huấn luyện M. and Parners English Service – tiền thân của MES Academy, với mong muốn khai mở giáo dục, khai phóng con người và tạo giá trị cho cộng đồng.
Học viên của MES Academy tham gia hoạt động tập thể trong nhà. |
Trải qua gần 2 năm gắn bó, cùng lý tưởng, cùng con đường và trải qua nhiều biến cố, Thu Hương và Hà My đã trở thành những người dẫn dắt MES Academy. Cùng với các cộng sự, họ đang tạo nên những bước chuyển biến mới mẻ dù đầy rẫy gian nan đối với một "đại gia đình".
Khởi đầu khó khăn, tái sinh hai lần
Hành trình của MES bắt đầu từ những ngày bỏ thành phố náo nhiệt, công việc, cuộc sống xô bồ và xách ba lô lên Đà Lạt để chú tâm tự học tiếng Anh của một nhóm bạn trẻ do một bạn nam tên M làm người hướng dẫn. Rồi M tìm thêm cộng sự để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Thu Hương và Hà My chính thức gia nhập nhóm để cùng phát triển dự án. Khi nhóm cộng sự đã hình thành, trại huấn luyện MES Academy lúc đó hoạt động dưới cái tên M. and Partners English Service và theo đuổi triết lý “giáo dục khai phóng”.
Hoạt động tại Đà Lạt vài tháng, M quyết định đưa nhóm học lên khu vực Măng Đen để khai thác môi trường mới, cùng với sự giúp đỡ và bảo trợ pháp lý từ người quen để dự án có thể thuận lợi phát triển. Nhưng sau đó 3 tháng, anh quyết định đi du học và để lại dự án cho người cộng sự điều hành, còn anh hỗ trợ từ xa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, M rút khỏi dự án vì những mâu thuẫn với cộng sự, khi hai người không thể đạt thỏa thuận về lợi ích. M. and Partners English Service cũng chấm dứt và tái sinh dưới cái tên Măng Đen English Service dưới sự điều hành của L – cộng sự của M. Thế nhưng, 2 tháng sau đó, L cũng từ bỏ dự án vì không nhìn thấy con đường phát triển lâu dài của dự án trong tình thế khó khăn tại Măng Đen, khi đối tác sao chép mô hình – trở thành đối thủ và thị trường lại quá hẹp.
Trồng rau là một trong những hoạt động của học viên thuộc trại huấn luyện MES Academy. |
Khi hai người sáng lập ra đi, các thành viên trong MES team lúc ấy không ai đành lòng vứt bỏ công sức của bản thân trong suốt một năm. Ai cũng nhận thấy rằng, trong suốt một năm qua, những giá trị họ đem đến cho cộng đồng không chỉ là kiến thức về tiếng Anh mà còn là nhiều giá trị khác về mặt tinh thần, giúp các bạn học viên định vị bản thân, vượt qua sự tự ti về ngôn ngữ để bước ra khỏi vùng an toàn, mạnh dạn vươn ra thế giới. Sau khi nói chuyện cùng nhau, Thu Hương và Hà My, hai thành viên còn lại trong nhóm quản lý cũ, quyết định tiếp tục đầu tư và dẫn dắt team cùng đi tiếp trên con đường tao giá trị cho cộng đồng. Và MES Academy (MES là viết tắt của “Motivation – English – Self-development”) ra đời với định hướng mới, những cải thiện mới và triết lý hoạt động mới.
Rủi ro chồng chất
Sau khi tái lập lại nhóm cốt lõi cùng 4 thành viên khác, Hương và My quyết định đưa MES Academy về Đà Lạt để có thể xây dựng một trại rèn luyện tốt hơn cho học viên. Suốt nửa năm hoạt động tại Măng Đen, họ thấy thấy khí hậu tại Măng Đen khá khắc nghiệt, điều kiện cơ sở vật chất lại quá thiếu thốn, không đảm bảo sức khỏe cho các bạn học viên. Tuy nhiên, việc khảo sát và thuê cơ sở tại Đà Lạt diễn ra không thuận lợi. Tiêu chí của trại rèn luyện là xa trung tâm để học viên có thể tập trung tối đa vào việc học hành và tuân thủ kỷ luật, đồng thời cũng phải đầy đủ để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt, ăn uống hằng ngày nhằm đảm bảo sức khỏe cho học viên. Thời điểm nhóm đi khảo sát lại là giáp Tết, vì thời gian ấn định di dời trại rèn luyện là sau Tết Nguyên Đán, nên lại càng gấp rút. Sau vài ngày, họ không tìm ra địa điểm nào ưng ý bởi chỗ thì quá xa, không có phương tiện di chuyển vào, chỗ thì quá đắt đỏ, chỗ thì thiết kế không phù hợp với mô hình trại rèn luyện.
Nhưng may mắn thay, trong lúc tuyệt vọng nhất, thì hai cô gái lại nhận được lời đề nghị hợp tác từ chị Thao - một học viên cũ của MES Academy. Thao là người dân đang sinh sống tại Đà Lạt và có một nhà cho thuê. Vì nhận thấy những giá trị MES mang lại cho cộng đồng, chị quyết định cho nhóm thuê cơ sở và thậm chí đầu tư xây một vài hạng mục khác để phục vụ cho nhu cầu hoạt động của MES Academy.