Mặt tối của tiền ảo - 'mối lo' của các chính phủ
Biểu tượng đồng Bitcoin. Ảnh: FORTUNE/TTXVN |
2017 là năm đã chứng kiến giá "phi mã" chóng mặt của đồng tiền ảo bitcoin trên toàn cầu. Với những đặc tính như ẩn danh, giao dịch không mất phí, bitcoin được không ít người chấp nhận và có thể được dùng trong trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc trao đổi các loại tiền tệ khác. Quy trình vận hành như vậy cùng với việc thiếu những quy định rõ ràng đã khiến cho bitcoin trở thành miếng mồi béo bở đối với những kẻ buôn lậu và nhiều loại tội phạm khác. Vì vậy, nhiều nhà lãnh đạo đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ khi sử dụng đồng tiền này.
Mặt tối của tiền ảo
Trên thực tế, cơn sốt đồng tiền ảo bitcoin đã và đang tác động xấu đến thị trường bất động sản Mỹ, đặc biệt là tại bang Florida, khi tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài né tránh sự kiểm soát tiền tệ trong nước, cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ. Theo hãng bất động sản Redfin (Mỹ), vào thời điểm cuối năm ngoái, đồng tiền điện tử này đã được liệt kê như một phương thức thanh toán cho khoảng 75 thương vụ giao dịch bất động sản, nhất là ở Nam Florida và California.
Trong một phát biểu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ lo ngại đồng tiền ảo có thể bị sử dụng cho mục đích phi pháp như rửa tiền hoặc tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp và người tiêu dùng có thể bị phương hại từ việc đầu tư tích trữ đồng tiền ảo này.
Các chuyên gia cảnh báo bitcoin đang bị biến tướng trở thành “công cụ” để thực hiện những mục tiêu nằm ngoài phạm vi pháp luật. Cụm từ "Chấp nhận bitcoin" giờ đây đã nên phổ biến được đính kèm trong đoạn quảng cáo về những ngôi nhà được rao bán ở khu vực Miami (Mỹ). Thậm chí, chủ nhân một căn hộ cao cấp trị giá nửa triệu USD đang được rao bán ở trung tâm Florida còn cho biết sẽ chỉ nhận đồng bitcoin.
Chuyên gia kinh tế Charles Evans thuộc Đại học Barry nhận định việc giao dịch bằng đồng bitcoin có thể mang tới ích lợi đối với nhiều người nước ngoài muốn đầu tư vào Mỹ, những người muốn né tránh các biện pháp kiểm soát ngân hàng và tiền tệ tại quê hương của họ, giữa bối cảnh chính phủ một số nước đã hạn chế lượng tiền mà người dân nước mình được phép chuyển ra nước ngoài thông qua hệ thống ngân hàng. Việc sử dụng bitcoin để thanh toán sẽ giúp những cá nhân này né tránh những hạn chế như trên.
Do đó, việc ngày càng nhiều chủ sở hữu bất động sản, đặc biệt ở bang Florida, chấp nhận thanh toán bằng bitcoin đang lôi kéo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phần lớn đến từ các nước Mỹ Latinh như Venezuela, Brazil hay Argentina. Theo chuyên gia Evans, hoạt động rửa tiền thông qua bitcoin đang tạo nên cơn sốt bất động sản ở Florida. Mặt khác, đồng bitcoin còn tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư "qua mặt" các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Chính phủ nhiều nước tăng cường giám sát
Ngày 17/1, giá trị đồng tiền ảo bitcoin đã giảm xuống dưới 10.000 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 1/12/2017. Bloomberg đưa tin, tính đến 14h10 giờ GMT (tức 21h10 theo giờ Việt Nam), giá trị của bitcoin đã xuống còn 9.807,56 USD, sụt giá gần 50% so với thời điểm đồng tiền ảo này đạt giá cao nhất ở mức trên 20.000 USD/bitcoin (ngày 18/12/2017). Theo giới phân tích, việc đồng bitcoin mất giá có thể do nhiều nước gần đây phát đi tín hiệu sẽ triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm siết chặt các giao dịch bằng tiền ảo.
Tại Mỹ, Washington yêu cầu các ngân hàng phải có thông tin về những khách hàng có tài khoản bẳng đồng bitcoin nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác. Về phía châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis hồi tháng 12/2017 thúc giục các nhà chức trách và quản lý châu Âu khẩn trương cập nhật các luật lệ quy định về tài chính, để ứng phó với sự biến động “chóng mặt” của đồng tiền ảo bitcoin.