|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mất tới 2,5 tháng để được cấp giấy C/O, doanh nghiệp kêu phải chịu lỗ

15:32 | 29/06/2020
Chia sẻ
Việc cấp giấy giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) khi xuất khẩu hàng hóa mất nhiều thời gian đang được xem là một trong những nút thắt, cản trở doanh nghiệp hiện nay. Có trường hợp doanh nghiệp phản ánh mất tới 2,5 tháng mới xin được giấy này.

Mất tới 2,5 tháng mới được cấp giấy C/O

Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại dự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19" diễn ra sáng ngày 29/6, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mất nhiều thời gian.

Mất tới 2,5 tháng để được cấp giấy C/O, doanh nghiệp kêu phải chịu lỗ - Ảnh 1.

Phiên thảo luận về khó khăn trong việc cấp C/O cho doanh nghiệp tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại dự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19". Ảnh: Đức Quỳnh

Tiêu biểu như trường hợp của Công ty cổ phần Đầu Tư Wood Alliance, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Mỹ, Trung Đông, châu Phi…cho biết việc xin C/O qua VCCI khá khó khăn và mất nhiều thời gian, có khi kéo dài tới 2,5 tháng, còn nếu xin qua Bộ Công Thương thì chỉ mất 2 - 3 ngày.

Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đã mất 40 - 48 ngày, do đó, có lô hàng doanh nghiệp này phải chịu lỗ. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam so sánh: “Chúng tôi hay nói vui C/O là “con ốm” bởi khi con ốm thì bố mẹ sợ. Chúng tôi đi làm dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu lấy được C/O thì mới có tiền và ngược lại không lấy được thì không có tiền chữa bệnh cho con”.

Ông Tương cũng cho rằng đây là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với thị trường châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp không đảm bảo qui tắc xuất xứ nên không thể cấp C/O

Trả lời phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn của doanh nghiệp trong việc xin cấp giấy CO, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết khó khăn khi cấp giấy này lo do doanh nghiệp không sử dụng nguyên liệu trong nội khối EU, do đó không đáp ứng được qui tắc xuất xứ.

“Khó khăn không phải là việc cấp tờ giấy chứng nhận mà là việc chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng từ nội khối”, bà Trang nói.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nói thêm Bộ Công Thương đã ban hành thông tư 11 qui định về qui tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do EVFTA.

Thông tư là văn bản pháp lí quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định EVFTA.

Theo đó, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU sẽ được cấp C/O mẫu EUR.1.

Việc cấp C/O mẫu EUR.1 cho hàng hóa xuất khẩu đi EU theo EVFTA được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức cấp C/O ưu đãi do Bộ Công Thương ủy quyền.

Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, cơ chế chứng nhận và xác minh xuất xứ hàng hóa xuất xứ, chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định, điều khoản đặc biệt về lãnh thổ…

Đây được xem là những điểm mới trong Hiệp định EVFTA.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan hải quan sẵn sàng phối hợp với đầu mối là Bộ Công Thương và VCCI để chia sẻ số liêu, kinh nghiệm và đánh giá về doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp. Từ những dữ liệu đó, VCCI có thể rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp.

Ông Thành cũng cho biết thêm hiện nay gần như 100% các thủ tục hải quan được “điện tử hóa”. Tuy nhiên, việc cấp C/O điện tử mới chỉ áp dụng đối với form D của ASEAN. Bộ Công Thương đang muốn cùng Tổng cục Hải quan trao đổi, tính toán tới việc cấp C/O điện tử với EU.

H.Mĩ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.