|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mạnh tay cải tạo môi trường, Trung Quốc sẽ không còn là công xưởng của thế giới?

14:37 | 01/12/2017
Chia sẻ
Trung Quốc đang trong cao trào của chiến dịch cải tạo môi trường. Chiến dịch này đang thay đổi bức tranh toàn cảnh của khối doanh nghiệp trong nước theo cách mà không ai ngờ tới, cũng như kích thích lạm phát toàn cầu tăng vọt trong thời gian gần đây. Tất cả rồi sẽ sớm tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
manh tay cai tao moi truong trung quoc se khong con la cong xuong cua the gioi
Trung Quốc đang trong cao trào của chiến dịch cải tạo môi trường. (Ảnh: South China Morning Post)

Công xưởng lớn nhất thế giới gặp khó vì chính phủ cải tạo môi trường

Chính quyền của ông Tập Cận Bình đang đẩy mạnh cuộc chiến chống ô nhiễm trên toàn quốc, khiến khối doanh nghiệp trong nước phải rất chật vật để có thể thích nghi với hàng loạt quy định mới khắt khe hơn.

Không ít doanh nghiệp, từ ngành sắt thép cho tới ngành may mặc hay sản xuất hàng hóa tiêu dùng, đã phải ngậm ngùi đóng cửa. Còn những doanh nghiệp đủ điều kiện “sống sót” cũng không tránh khỏi thiệt hại lớn. Kết quả là, giá hàng hóa xuất xưởng, vốn đã cao, nay lại càng cao hơn; khiến áp lực lạm phát trên toàn cầu càng tăng mạnh.

Không chỉ công ty nhỏ gặp khó, nhiều công ty quy mô lớn hơn cũng chịu nhiều áp lực về vấn đề chi phí vì chính phủ thắt chặt quy định về môi trường.

“Áp lực về chi phí ngày càng lớn khi các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để lôi kéo lao động có tay nghề cũng như tăng lương cho người lao động. Nhiều nhà máy phải đóng cửa nhưng chủ yếu là các nhà máy quy mô nhỏ, không có đủ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường, ” ông Ramesh Tainwala, CEO của công ty chuyên sản xuất vali Samsonite International, cho hay.

Những xu hướng này đang định hình lại môi trường kinh doanh ở Trung Quốc, theo nhận định của ông Cui Li, Trưởng phòng nghiên cứu vĩ mô tại Tập đoàn CCB International Holdings (Hong Kong).

“Chiến dịch cải tạo môi trường đang và sẽ là động lực chính để Trung Quốc củng cố lĩnh vực công nghiệp bền vững hơn. Trong bối cảnh các loại chi phí đều tăng, từ chi phí nhân công, chi phí thuê mặt bằng cho tới chi phí về môi trường, các hãng sản xuất của Trung Quốc sẽ phải đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất để tồn tại. Những ai tồn tại được thì sẽ hưởng lợi,” ông Cui nói.

Lấy ví dụ như công ty dệt may Shenzhen Yabi Textiles với quy mô vừa, chuyên cung cấp trang phục cho Walt Disney.

Yabi đang chiếm lợi thế khi nhanh tay đầu tư vào hệ thống sản xuất dùng khí tự nhiên, bởi chính phủ Trung Quốc buộc ngành dệt may phải sử dụng khí tự nhiên thay cho than. Nhờ vậy, Yabi nhanh chóng chiếm thị phần từ những công ty quy mô nhỏ hơn vốn không thể đủ tài chính để chi trả cho phần nhiên liệu này.

Ông He Wenyong, Giám đốc công ty Yabi, phát biểu tại một hội chợ thương mại lớn ở Quảng Châu hồi đầu tháng 11 cho biết, giờ công ty đã có thể nâng giá bán hàng thêm 8%. “Những công ty nhỏ lẻ từng chiếm tới 1/3 thị trường. Nhưng giờ họ đã biến mất, mọi thứ cũng trở nên dễ dàng hơn nhiều đối với chúng tôi.”

Ảnh hưởng từ ngành công nghiệp nặng…

Công nghiệp nặng là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch bảo vệ môi trường của Trung Quốc. Theo đó, chính phủ quyết định đóng cửa các nhà máy sản xuất sắt thép, luyện nhôm và các mỏ khai thác than lạc hậu hoặc hoạt động bất hợp pháp, nhằm giảm thiểu tình trạng dư thừa năng xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường.

manh tay cai tao moi truong trung quoc se khong con la cong xuong cua the gioi
Công nghiệp nặng là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch bảo vệ môi trường của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Quyết định này đã gây sốc cho cả ngành công nghiệp Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung khi đó.

Tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất của Trung Quốc và thế giới, China Hongqiao Group, là một trong số nhiều công ty đang đau đầu tìm cách đối phó với các quy định khắt khe của chính phủ. Hongqiao bị buộc phải giảm năng suất sản xuất trong năm nay vì chủ trương giảm dư thừa nguồn cung và ô nhiễm môi trường của chính phủ.

Giá kim loại trên toàn cầu tăng vọt hơn 20% kể từ đầu năm đến nay cũng vì quyết định táo bạo này.

… đến ngành sản xuất hàng tiêu dùng…

Sau công nghiệp nặng, ngành sản xuất hàng tiêu dùng cũng đang chịu áp lực từ chiến dịch bảo vệ môi trường của chính phủ Trung Quốc.

Ngoài việc cắt giảm nguồn cung điện cho các xưởng sản xuất quy mô nhỏ hay gây ô nhiễm, chính phủ Trung Quốc hồi tháng 7 cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu các phế liệu như nhựa, hàng dệt may và giấy phế thải chưa được phân loại.

Giá nhựa và giấy theo đó tăng vọt, vì chi phí sản xuất hai mặt hàng này từ nguyên liệu gốc ( là dầu thô và cây) cao hơn rất nhiều so với việc tái chế từ các phế liệu nhập khẩu.

Giá các mặt hàng tiêu dùng làm từ nhựa cũng tăng vọt. Hãng sản xuất vali Anhui Technology Imports & Exports đã tăng giá bán vali thêm gần 10% vì loại nhựa dùng để sản xuất vali vỏ cứng tăng tới 80% trong tháng 8 và tháng 9, nhân viên bán hàng Ren Yuyang của hãng cho biết.

Việc tăng giá các mặt hàng là điều tất yếu khi nguồn cung nguyên liệu thiếu thốn, và đó là lý do doanh nghiệp Trung Quốc với vai trò là người cung cấp hàng hóa cho thế giới cũng không chịu hạ giá.

Bà Roxana Fernandez làm việc tại hãng bán lẻ nổi tiếng Montagne Outdoors (Argentina) cho biết bà và cộng sự đã rất ngạc nhiên khi giá hàng hóa tăng tới 20 – 30% trong năm nay. “Họ đều nói là vì chính sách môi trường nên chẳng thể làm gì được hơn. Chúng tôi sẽ phải đánh giá lại nguồn cung hàng đến từ Trung Quốc chiếm tỷ lệ bao nhiêu,” bà nói.

Nhiều mặt hàng khác như tất, giày dép hay quần áo, cũng tăng giá mạnh.

Trung Quốc sẽ không còn là công xưởng của cả thế giới?

Về lâu dài, nguồn cung tăng giá sẽ khiến các bạn hàng xa lánh Trung Quốc và phải tìm nguồn cung hàng thay thế. Điển hình là Wal-Mart Stores, Target và Disney cũng đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung hàng hóa, ngoài Trung Quốc, để tiết kiệm chi phí.

Tập đoàn Hongqiao cho biết đang xem xét khả năng chuyển các nhà máy đã đóng cửa ra nước ngoài, và Indonesia là một trong những cái tên đầu tiên được nhắc đến, Bloomberg News cho biết. Yabi cũng đang cân nhắc việc chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài. Pakistan là một lựa chọn hàng đầu của Yabi bởi chi phí lao động thấp mà có vị trí địa lý thuận lợi là gần châu Âu.

Vũ Thắng