|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mạng xã hội hỏi đáp bằng video của startup Việt

21:54 | 20/07/2017
Chia sẻ
Tomo - mạng xã hội chia sẻ kiến thức, thảo luận, trò chuyện bằng các video ngắn không quá 60 giây dựa trên nền tảng di động. 

Từ lúc ra mắt phiên bản đầu tiên tháng 5/2017 đến nay, Tomo có gần 1.500 người dùng với hơn 450 video trả lời và khoảng 1.100 câu hỏi được đặt ra trên hệ thống.

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng hiện không thiếu những nền tảng, ứng dụng mạng xã hội kết nối cộng đồng, người với người. Nhưng trong bài toán kết nối này, việc tiếp cận trực tiếp với người giỏi, chuyên gia của một lĩnh vực, người nổi tiếng để chia sẻ kiến thức, thông tin, hỏi đáp vẫn còn một vài bất cập.

"Có nhiều nơi để bạn đặt câu hỏi, có nhiều người xung quanh bạn để bạn hỏi. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có đáp án ngay và không phải lúc nào bạn cũng nhận được câu trả lời từ người bạn muốn", CEO của Tomo - Vương Quang Long nhận định.

Phổ biến trong cộng đồng người dùng hiện nay là mạng xã hội hỏi đáp Quora. Tuy đã ra đời và hoạt động 8 năm nhưng gần đây, Quora mới ra thêm các phiên bản tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha bên cạnh tiếng Anh. Nền tảng này cũng mới chỉ hỗ trợ cho hình thức trao đổi kiến thức bằng văn bản.

Theo anh Long, Quora chưa tiếp cận được sâu vào thị trường châu Á và những dữ liệu hỏi - trả lời trên nền tảng này chưa bao quát các vấn đề được dự đoán sẽ trở thành mối quan tâm lớn nhất của cư dân khu vực này trong thời gian tới như tài chính, đầu tư, tiền điện tử, kinh tế, công nghệ…

Để giải quyết vấn đề, mạng xã hội Tomo thu gọn tất cả quá trình, tối ưu hóa việc hỏi đáp 1-1 và hỏi đáp mở dành cho cộng đồng trả lời, kết nối chuyên gia, người nổi tiếng một cách trực tiếp, nhanh chóng, hiệu quả thông qua các video được giới hạn trong 60 giây.

mang xa hoi hoi dap bang video cua startup viet
Trên hệ thống của Tomo, người dùng sẽ quay các video trả lời câu hỏi nhanh không đến 60 giây. Ảnh: Tomoapp

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các mạng xã hội như Facebook, Instagram và Snapchat đã đẩy rất mạnh các sản phẩm tương tác bằng video trên nền tảng của mình, khuyến khích live stream, quay video chia sẻ câu chuyện…

Điều này sẽ tạo ra một lớp người dùng mới về video, thoại bên cạnh chia sẻ hình ảnh và chữ viết thông thường. Đi theo xu hướng này, Tomo kỳ vọng sẽ tiếp cận nhu cầu và thói quen sử dụng video trong tương tác mạng xã hội của người dùng.

Tomo mới ra đời đã phải cạnh tranh với các “ông lớn” như Facebook, Youtube, Zalo, Quora, Twitter…Vì vậy, ứng dụng sẽ cần thêm thời gian để nền tảng hoạt động tốt, ổn định, có nhiều tính năng hấp dẫn người dùng.

Bên cạnh phần hỏi đáp trực tiếp giữa bất kỳ hai người dùng nào trên hệ thống và phần đặt câu hỏi mở cho cộng đồng trả lời, Tomo cũng có các tính năng như bảng thông báo, quản lý câu trả lời, từ chối trả lời…Trong tương lai, ứng dụng cũng sẽ tích hợp khả năng tạo kênh riêng cho người sử dụng và các phần trả lời bằng chữ viết nhưng giới hạn dưới 400 ký tự.

Không dễ để xây dựng một cộng đồng, mạng lưới quan hệ mới, nhất là Facebook, Twitter, Zalo, Youtube… đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và có tệp khách hàng lớn trên toàn cầu.

Tuy vậy, thị trường mạng xã hội ở Việt Nam vẫn còn tiềm năng. Chỉ cần tập trung vào thị trường ngách, đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng, giải quyết được vấn đề của cộng đồng thì những sản phẩm như Tomo vẫn có triển vọng phát triển, CEO Vương Quang Long cho biết.

Hiện tại, trên Tomo có một số chuyên gia về lĩnh vực tài chính, công nghệ, ngoại ngữ, thực phẩm, thời trang, ẩm thực chia sẻ với cộng đồng người sử dụng.

“Sắp tới, Tomo sẽ ra mắt một loại tiền điện tử sử dụng trong hệ thống mạng xã hội của mình để các chuyên gia, người dùng có thể tự đưa ra giá cho câu trả lời của mình. Hy vọng điều này sẽ thúc đẩy thương mại hóa các giao dịch hỏi đáp, tạo động lực cho người sử dụng và xây dựng mạng lưới cộng đồng lớn”, anh Long chia sẻ.

Phương Nguyên