|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lương tăng nhanh, bảo hiểm xã hội cao nhất khu vực: Doanh nghiệp nhiều nỗi lo

22:15 | 11/08/2017
Chia sẻ
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, hiện nay doanh nghiệp đang phải chịu chi phí cho các loại bảo hiểm xã hội, phí công đoàn quá cao. Khi lương tối thiểu tăng, các loại phí nói trên sẽ tăng theo. Đây là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp cần được nghiên cứu, xem xét.
luong tang nhanh bao hiem xa hoi cao nhat khu vuc doanh nghiep nhieu noi lo
Mức lương tối thiểu dự kiến năm 2018. Đơn vị: triệu đồng/tháng.

Không nên tăng lương đồng loạt

Mới đây, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất tăng lương tối thiểu năm 2018 là 6,5%, tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trong 4 vùng lương.

Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng nếu không tăng lương, đa số người lao động sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập, việc giảm sút tiêu dùng có thể dẫn đến sự giảm sút tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, việc tăng lương đồng loạt như vậy, theo ông Bùi Trinh cũng sẽ có nhiều bất cập. Bởi việc tăng lương không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi.

“Tăng lương không dựa vào tăng năng suất sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau. Khi thặng dư của doanh nghiệp ngày một nhỏ lại dẫn đến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó khăn do không đủ khả năng tích lũy”, ông Trinh nói.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng mong muốn tăng lương là nhu cầu chính đáng của người lao động nhưng phải được căn cứ trên khả năng của doanh nghiệp.

“Việc tăng lương tối thiểu cũng chỉ cải thiện đời sống người lao động khi thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan đến giá cả, nhà ở, đời sống tinh thần cho người lao động...”, ông Huân nói.

Cũng theo vị này, doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm sản phẩm gia công, giá trị thấp nên tăng lương tối thiểu sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các lĩnh vực da giày, dệt may, thủy sản... Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng quỹ lương và chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Theo quan điểm của chuyên gia Bùi Trinh, việc quyết định tăng tiền lương tối thiểu vùng không nên làm đồng loạt đại trà mà cần tính toán ký lưỡng cho các nhóm ngành khác nhau, thậm chí nên nghiên cứu cho các nhóm ngành trong một vùng.

“Khi nhận thức của xã hội được nâng lên, tốt nhất hãy để doanh nghiệp tự cân nhắc, quyết định việc tăng lương dựa trên hiệu quả sản xuất và nguồn nhân lực của họ”, ông Trinh đề xuất.

Ông Trinh cũng chia sẻ thêm, hiện nay doanh nghiệp đang phải chịu chi phí cho các loại bảo hiểm xã hội, phí công đoàn quá cao. Lương tối thiểu được làm căn cứ xây dựng thang, bảng lương và đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn.

“Khi lương tối thiểu tăng, các loại phí nói trên sẽ tăng theo. Đây là một áp lực lớn đối với doanh nghiệp cần được nghiên cứu, xem xét”, ông Trinh đề nghị.

Lương tăng nhanh, bảo hiểm xã hội cao nhất khu vực

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vẫn còn nhiều chi phí ở mức cao, nhất là chi phí vốn, chi phí bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn...

Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, khi lên tới 32,5% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%). Đó là chưa kể 3% phí công đoàn.

So với các nước cùng khu vực như tại Malaysia, mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 13% lương tháng, Philippines là 10%, Indonesia 8%... Thủ tướng cho rằng đây là việc cần nghiên cứu, trao đổi lại.

Trong khi đó, lương tối thiểu của Việt Nam đang có tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực. Số liệu của World Bank (WB) cho thấy Việt Nam có mức tăng gần 14%, trong khi đó Trung Quốc tăng 10%, còn Indonesia chỉ tăng 7%...

Nói với BizLIVE, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế lo ngại, khi lương tối thiểu tăng, chi phí của doanh nghiệp “đội” lên đáng kể. Việc phải gánh chịu chi phí cao khiến cho doanh nghiệp phải tìm cách thức khác nhau để bù đắp vào, trong đó, không loại trừ khả năng cắt giảm những khoản chi phí khác của người lao động.

“Thậm chí, nếu việc cắt giảm quá mạnh thì bản thân người lao động sẽ mất đi tinh thần làm việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động. Cuối cùng, từ chủ sử dụng lao động đến người lao động không ai được lợi cả, chỉ có quỹ bảo hiểm, công đoàn được lợi thôi”, TS. Đinh Tuấn Minh nói.

Bên cạnh đó, khi phí bị đẩy lên cao thì sản phẩm khó có thể cạnh tranh được, doanh nghiệp sẽ rơi vào bờ vực khó khăn, nền kinh tế nói chung sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu là cần thiết nhưng cần được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng trong tương quan đối với các loại chi phí khác. Như vậy, việc tăng lương mới bảo đảm quyền lợi thực chất cho người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp.

N. Mạnh

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.