Luật Đặc khu kinh tế: Đặc biệt nhưng không được trái Hiến pháp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận. |
Đây là điều được nhấn mạnh khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sáng 11/9.
Các ý kiến phát biểu đều đồng tình với sự cần thiết ban hành luật với các quy định đột phá, vượt trội, tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Anh hùng cũng có, thành án cũng có
Tuy nhiên, đi vào những quy định cụ thể thì còn khá nhiều điều khiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng đã cho rằng việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một cá nhân cần được cân nhắc thêm vì tính hợp Hiến.
Ngoài ra, dự thảo luật giao “Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư và danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp - theo cơ quan thẩm tra.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quy định tại luật này phải đột phá, vượt trội cả so với trong nước và quốc tế nữa thì mới đặc biệt. Bộ máy hành chính phải có đủ quyền đủ lực để thực hiện. Do đó, quy định tại luật này có thể trái, khác với quy định của luật khác, có nghĩa là không đòi hỏi sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật như các luật khác, nhưng không được trái Hiến pháp. Và nó phải cụ thể hóa, quán triệt đầy đủ chủ trương của Đảng về vấn đề này - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội thì cần bỏ ngay quy định trái Hiến pháp là giao chính phủ quy định danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là hạn chế quyền kinh doanh của tổ chức cá nhân, quyền này là luật định. Cái gì trái Hiến pháp là bỏ ngay - Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu.
Ủng hộ để tạo ra cái đột phá thì luật này phải có những điểm vượt trội so với luật hiện hành, nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng “luật có thể sửa, Hiến pháp thì không thể trái”.
"Còn lúng túng, vướng mắc vì chúng ta bàn về cái khác biệt, nhưng trên nền pháp luật bình thường và thông lệ từ trước đến nay. Tư duy của chúng ta đã được củng cố mấy chục năm trên nền của cái bình thường, chứ không phải trên nền của cái đặc biệt, thay đổi là rất khó, nên không có gì phải băn khoăn khi còn nhiều ý kiến khác nhau” - bà Nga phát biểu.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng khẳng định: nhìn lại lịch sử, tạo ra phát triển trong thời gian qua đều là những thứ đột phá và vượt rào, như: Khoán 10, Khoán 100, đổi đất lấy hạ tầng... “Thành công có, thất bại có, trở thành anh hùng có, thành án cũng có. Tôi rất ủng hộ việc lập đặc khu có chủ trương của Đảng, đưa ra bàn công khai trên Quốc hội, cũng tránh được việc sau này không thành công thì có những cá nhân phải chịu hậu quả” - bà Nga nói.
Người tài không thiếu
Từ kết quả nghiên cứu cơ chế của một số nước, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh phân tích: cơ chế đặc biệt của họ là rất chặt về chính trị, quốc phòng - an ninh, nhưng rất thoáng về kinh tế và thương mại. Như Hồng Kông, Trung Quốc thực hiện chính sách nước 2 chế độ, nhưng dùng thủ thuật lấy chính trị, quốc phòng – an ninh làm gốc.
Theo ông Việt thì luật này phải giải quyết được 7 vấn đề mà bộ máy hiện nay đang vấp váp, thì mới có thể tạo ra được đột phá khác biệt. Cụ thể, đó là sự trì trệ, “công thì của tôi mà tội là tập thể”; đó là trách nhiệm người đứng đầu không rõ, cái được giao không làm, cái không thuộc thẩm quyền thì lại làm, cơ chế kiểm soát quyền lực kém, nên có những nơi “một bàn tay che cả bầu trời”. Thứ ba là bình quân chủ nghĩa – “giỏi như dốt, dốt như giỏi”; thứ tư là bộ máy đông nhưng không mạnh, đủ các ban bệ nhưng tiêu cực chủ yếu là báo chí và nhân dân phát hiện; tiếp nữa là mất thời cơ và cơ hội quá nhiều...
Ông Võ Trọng Việt cho rằng “phải trao đặc khu này cho trưởng đặc khu” và phải có viện kiểm sát, tòa án trực thuộc đặc khu. Bên cạnh đó, ông Việt cũng nhấn mạnh việc “thay đổi vỏ phải thay đổi cả ruột”, tránh tình trạng cơ chế có thể khác hơn, nhưng cũng bộ máy, con người, lề lối, phương pháp ấy thì không thể có thay đổi.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình quan điểm của ông Việt là phải lấy sự ổn định quốc phòng an ninh toàn vẹn lãnh thổ là cái gốc, là cái cốt, còn về kinh tế thì có thể thông thoáng, nổi trội.
Tuy nhiên, ông Hiển nhận xét, các ưu đãi vẫn là nhìn nhận theo cách cũ, ưu đãi kiểu “miễn, giảm, giãn” là tư duy cách đây 30 năm rồi.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh khía cạnh quốc phòng - an ninh như một cái gốc cần giữ, vì 3 khu vực này đều là những khu vực đặc biệt quan trọng.
Theo phó chủ tịch thì “nếu làm đặc khu sớm hơn thì kinh tế có cơ hội phát triển hơn nữa. Cứ nhìn xem, Phú Quốc so với Singapore, diện tích không kém, chúng ta có rất nhiều ưu việt về nước ngọt, rừng, đất đai... nhưng bao năm ta cứ bỏ không đấy, không phát triển được. Vấn đề cốt lõi là cơ chế, vì người tài có lẽ chúng ta không thiếu”.
Không nên 'gì cũng có' ở đặc khu Bắc Vân Phong Bắc Vân Phong sẽ là một trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cùng với Phú Quốc và Vân Đồn... |
Chính thức trình dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Được nghiên cứu, chuẩn bị từ 2014, sáng 11/9 dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được đặt lên ... |
Khu kinh tế mở Chu Lai và đường đi 'không giống ai' Tự làm, tự đi xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, tự đào tạo và tổ chức tuyển dụng cán bộ… , Khu kinh ... |