Luật Cạnh tranh: Đã đến lúc phải sửa
Xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền (ảnh minh họa). Ảnh: Thu Hòa. |
Cạnh tranh không lành mạnh gia tăng
“Cần phải có một Hội đồng Cạnh tranh chuyên nghiệp thay vì việc giao quá nhiều việc cho một số người không chuyên như hiện nay. Tại sao không đưa các luật sư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực cạnh tranh vào Hội đồng Cạnh tranh mà vẫn để nhiều người kiêm nhiệm. Những người không chuyên sâu mà lại ngồi để sửa Luật Cạnh tranh thì rủi ro vô cùng lớn”. (Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam) |
Luật Cạnh tranh quy định kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh, hành vi hạn chế cạnh tranh (hành vi thỏa thuận, lạm dụng, tập trung kinh tế) và cạnh tranh không lành mạnh. Mục tiêu của Luật Cạnh tranh là bảo vệ hoạt động cạnh tranh để thông qua đó duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Tuy nhiên, kể từ khi ra đời đến nay, Luật này đã bộc lộ rất nhiều hạn chế.
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong hơn 10 năm thực thi các quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến hết năm 2015, cơ quan này đã tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt trong 150 vụ đã điều tra.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, sau hơn 10 năm thực thi Luật, số lượng vụ vi phạm cạnh tranh không lành mạnh được giải quyết còn khá ít. Bên cạnh lý do về thể chế, thủ tục, còn có nguyên nhân do chưa thu hút được niềm tin của DN, trong khi người dân hầu như không khiếu nại, ngoài những việc ảnh hưởng quyền người tiêu dùng, còn DN thì tự thỏa thuận, “đi đêm” với nhau.
Trên thực tế, những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng độc quyền. Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Bộ Công Thương, tình trạng này thể hiện rất rõ qua hành vi quảng cáo không trung thực, thậm chí “ngày càng trắng trợn” trên phương tiện thông tin đại chúng, hiện tượng bố trí “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, đấu giá; việc “bao sân” thị phần của một số DN nhờ dựa được vào “sự chỉ đạo” ngay trong hệ thống hành chính của quan chức nhà nước. Ví dụ điển hình được ông Thắng nhắc đến chính là sự cố Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố hàm lượng arsen trong nước mắm một cách mập mờ (không nói rõ arsen hữu cơ và vô cơ) gần đây đã làm méo mó thị trường.
Chưa hết, ngày càng phổ biến các hình thức khuyến mại tinh vi, nhập nhằng về nhãn hiệu, công dụng của sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng, gây nhầm lẫn trong lựa chọn tiêu dùng sản phẩm. “Tình hình trên phản ánh môi trường cạnh tranh trên thị trường nội địa đang có nhiều biểu hiện mỗi ngày một tồi tệ hơn. Và nguyên nhân một phần chính là ở hệ thống pháp luật về cạnh tranh còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết”, ông Thắng nói. Theo vị này, nhiệm vụ của hệ thống pháp luật về cạnh tranh phải đặt toàn bộ cộng đồng DN trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử và phát huy tối đa quan hệ thị trường để có được sàng lọc tự nhiên, đào thải các DN yếu kém. Đáng tiếc rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta lại bộc lộ những điểm yếu khiến cho môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay chưa đạt được những mục tiêu này.
“Đâu đó vẫn còn quá nhiều ưu đãi cho DNNN do Trung ương quản lý, dồn DN tư nhân, đặc biệt là DN vừa và nhỏ rơi vào thân cô thế cô không thể tiếp nhận được yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất – kinh doanh”, ông Thắng khẳng định.
Ông Phùng Văn Thành, Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cũng thừa nhận, sự xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN khiến cho môi trường kinh doanh đang trở nên méo mó.
Điều chỉnh, phân công lại nhân lực
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, cạnh tranh không lành mạnh 2 năm gần đây được siết chặt hơn nhưng chế tài vẫn chủ yếu là xử phạt hành chính. Trong khi đó, việc tiếp nhận và xử lý vụ việc liên quan đến cạnh tranh khá phức tạp, do hiện có đến hai cơ quan cùng có chức năng thực thi Luật Cạnh tranh. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh có chức năng hoạt động điều tra và xử lý một phần vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh. Còn Hội đồng cạnh tranh có chức năng xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh sau khi bị cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra. Điều này dẫn đến sự đùn đẩy hoặc chồng chéo trong trách nhiệm.
Ông Thắng nhìn nhận, Cục Quản lý cạnh tranh với số lượng nhân lực còn hạn chế, chưa được đào tạo sâu và bài bản về kiến thức quản lý cạnh tranh, trong khi đó lại được giao quá nhiều chức năng như điều tra, bảo vệ người tiêu dùng, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ… Cơ quan này phải đảm đương các hoạt động liên quan đến tố tụng, trong khi đó thẩm quyền xử lý vụ việc lại thuộc Hội đồng Cạnh tranh đảm nhiệm. Điều này là bất hợp lý.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Huỳnh cho hay, nhiều quy định, điều kiện kinh doanh hiện nay đang làm giảm sức cạnh tranh của DN, nguyên nhân một phần do năng lực của Hội đồng Cạnh tranh- một trong hai cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh- bị hạn chế.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng, cần phải sáp nhập Hội đồng cạnh tranh và cơ quan xử lý cạnh tranh thành một cơ quan thống nhất để việc thực thi được đồng bộ hơn, chuyên nghiệp hơn, tránh những rủi ro không đáng có cho DN cũng như cho môi trường kinh doanh. Đơn vị này có chức năng tham gia hòa giải hoặc tham vấn cho DN có vướng mắc về Luật Cạnh tranh. Trường hợp DN không đạt được thỏa thuận, cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng hoặc xử lý thông qua tòa án kinh tế. Ông Nguyễn Phương Nam cũng kỳ vọng giữa năm 2018, Việt Nam sẽ xây dựng hoàn thiện được Luật Cạnh tranh tương đối hoàn chỉnh theo hướng tiệm cận với quy định pháp luật quốc tế nói chung và phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Cùng với việc tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý cạnh tranh, các DN nên có những cái nhìn bao quát hơn, đạo đức hơn trong kinh doanh, dựa vào những dữ liệu thực tế kết hợp với chiến lược kinh doanh của mình để đưa ra cho thị trường, người tiêu dùng những sản phẩm rẻ hơn và chất lượng hơn, chứ không phải dùng những chiêu trò “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, hạ uy tín đối thủ một cách thiếu lành mạnh để chiếm thị trường và tìm kiếm lợi nhuận.