LS. Trương Thanh Đức: 'Cứ hành xử thế này ngân hàng sẽ mất hết!'
LS. Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) |
Cụ thể, sự việc 245 tỷ "bỗng dưng biến mất" tại Eximbank được tường trình lại như sau: Trước năm 2007, bà Chu Thị Bình đã giao dịch gửi tiết kiệm tại Eximbank TP.HCM. Do số tiền gửi tại ngân hàng này rất lớn nên khách hàng này được chăm sóc theo chế độ khách hàng VIP. Toàn bộ các giao dịch với bà Bình đều do ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống corebanking của Eximbank.
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán để chiếm đoạt số tiền rất lớn trong một thời gian dài.
Tháng 2/2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình phát hiện số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ. Nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã bốc hơi nên khiếu nại Eximbank.
Chữ ký là thật, khách hàng vẫn không có lỗi
Xung quanh vụ việc trên, nhiều phản biện cho rằng chữ ký tại các chứng từ của bà Bình là thật thì khó quy trách nhiệm cho ngân hàng. Phản đối quan điểm trên, LS. Trương Thanh Đức khẳng định: Dù cho xác minh được chữ ký trên các chứng từ rút gửi tiền tại ngân hàng Eximbank của khách hàng (bà Bình) là thật thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng và khách hàng không có lỗi. Bởi người đứng ra thực hiện các giao dịch là cán bộ ngân hàng, giao dịch chỉ còn là nội bộ trong ngân hàng. Thủ đoạn gian lận là của nội bộ ngân hàng, không phải của người ngoài nên ngân hàng buộc phải chịu trách nhiệm.
Trước lý luận cho rằng, đây là "lỗi của nhân viên ngân hàng" nên vụ việc sẽ chuyển hướng xử lý theo hình thức cá nhân với cá nhân. Cụ thể, trong trường hợp này sẽ chỉ là tranh chấp giữa bà Bình với ông Hưng (Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng Eximbank) mà ngân hàng sẽ không phải chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng. Đây là cách hành xử thường thấy của nhiều ngân hàng Việt khi đối mặt với các sự việc tương tự. Tuy nhiên, theo ông Đức, nếu cứ tiếp tục tiền lệ này thì "ngân hàng sẽ mất hết".
Theo ông Đức, chúng ra phải thống nhất với nhau rằng "cán bộ ngân hàng" ở đây chính là ngân hàng. Khi cán bộ ngân hàng - người trong nội bộ mà gian lận thì ngay cả ngân hàng cũng thiệt hại, nhưng ngân hàng buộc phải chấp nhận rủi ro này. Nếu ngân hàng không làm được việc này, không đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng thì khách hàng sẽ luôn phải trong trạng thái lo lắng, sợ hãi vì không biết tiền trong tài khoản của mình ngày mai còn hay mất.
Nhớ lại những vụ án trước đó của ngành ngân hàng liên quan tới tranh chấp của ngân hàng với khách hàng, ông Đức cho rằng vụ án Huyền Như đã tạo những tiền lệ xấu trong cách hành xử của ngân hàng với khách hàng, khi ngân hàng phủi sạch trách nhiệm. "Cứ theo tiền lệ này thì ngân hàng sẽ mất hết. Đó là niềm tin tuyệt đối của khách hàng vào ngân hàng", ông Đức nhận định.
Nghịch lý "khách VIP ngân hàng"
Có nhiều ý kiến trung lập, cho rằng trong sự việc này cả khách hàng và ngân hàng đều có lỗi. Bởi về phía khách hàng vì ỷ là khách VIP nên dễ dàng bỏ qua các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện các giao dịch tại nhà và quá tin tưởng vào nhân viên ngân hàng mà không có nhiều sự liên hệ trực tiếp với ngân hàng để kiểm tra thông tin. Tuy nhiên, phản bác lại quan điểm này, ông Đức khẳng định khách hàng không có lỗi và trách nhiệm giữ tiền không phải trách nhiệm của khách hàng.
Theo đó, đáng ra ngân hàng là nơi an toàn nhất cả về lý thuyết lẫn thực tế. Họ có công nghệ, có con người, có cơ sở vật chất và quan trọng nhất nhiệm vụ của họ là giữ tiền cho khách hàng đảm bảo nó không tự nhiên bị mất. Nhưng hiện nay ngân hàng đang không làm được điều đó, để từ chỗ an toàn nhất để giữ tiền, ngân hàng trở thành chỗ nguy hiểm nhất.
Ông Đức cho rằng, có một nghịch lý mà hiện nay chúng ta đang nghiễm nhiên thưa nhận rằng, đáng ra có nhiều tiền, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng thì tiền của khách VIP càng phải được đảm bảo an toàn, thì nay họ lại là đối tượng bị nhắm tới, là tâm điểm của nguy hiểm để có thể bị lừa đảo bởi chính ngân hàng đó.
Việc khách hàng VIP nhận được ưu đãi phục vụ tận nhà vốn là lẽ dĩ nhiên. Nó cũng giống như việc Vietnam Airline có phòng VIP cho khách và khách VIP có thể tới muộn. Họ có quyền nhận được ưu đãi vì họ mang lợi nhiều lợi ích cho ngân hàng, ông Đức so sánh.
Do vậy, ông Đức nhấn mạnh, việc lý luận mất tiền do giao dịch tại nhà là không hợp lý. Bởi ngay cả tới quầy để giao dịch mà nhân viên ngân hàng đã chủ tâm lừa đảo thì chúng ta cũng không thể biết chữ ký giám đốc trên giấy tờ đó có phải là thực, tiền gửi đã thực sự được chuyển vào tài khoản chưa...vì đó là hoạt động trong nội bộ ngân hàng.
Ông Đức khuyến nghị rằng, để giải quyết những vụ việc như thế này, ngân hàng muốn lấy lại lòng tin của khách hàng thì NHNN cần quy trách nhiệm cho ngân hàng. Chỉ có làm thế, ngân hàng mới thực sự có trách nhiệm xiết chặt lại quy trình để các vụ việc tương tự không còn xảy ra nữa. Còn nếu để thực trạng như hiện nay thì khách hàng sẽ mất hết niềm tin với ngân hàng và ngân hàng sẽ tiếp tục thờ ơ.